Run tay

Run rất hay gặp trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, run có thể là triệu chứng của một bệnh nhưng cũng có thể chỉ do rối loạn cảm xúc có ở người bình thường (như khi lo sợ, bực tức quá mức…). Năm 1914 Dé Jerine đã định nghĩa run như sau: “Run là các động tác lắc lư có nhịp ngoài ý muốn, xâm phạm một phần hoặc toàn bộ cơ thể, xung quanh tư thế thăng bằng của cơ thể”.

Hiện tượng run sinh lý có ở tất cả mọi người. Đặc điểm của loại run này là run đều đặn, biên độ nhỏ, lắc lư ở ngọn chi với chu kỳ khoảng 10 nhịp trong một giây. Run sinh lý tăng lên theo trạng thái lo lắng.

Chúng ta chỉ cần quan sát bằng mắt là đủ để khẳng định một người nào đó có run hay không?, ngoài ra có thể quan sát bằng chữ viết cũng khá quan trọng, người ta có thể yêu cầu bệnh nhân vẽ một đường hoặc một hình xoắn. Nếu cần có thể ghi điện cơ bằng các điện cực đặt trên cơ sẽ giúp quan sát các hoạt động xen kẽ nhau của các cơ đồng vận và các cơ đối vận.

1. Phân biệt run với các động tác bất thường:

+ Các loại giật cơ: đó là các rung chuyển của cơ đột ngột và không có nhịp, nhưng nó cũng có thể có nhịp ở vòm họng, ở mặt (tổn thương vùng tam giác của các giật cơ: nhân răng của tiểu não, nhân đỏ, trám hành).

+ Các Tíc trong các bệnh tâm thần.

+ Múa giật: có đặc điểm là bàn tay luôn thay đổi vị trí bởi do mất các sợi cảm giác bản thể.

+ Aslérixis: đây là một dạng giật cơ trương lực, ngừng đột ngột trương lực cơ gây ra động tác duỗi của ngón tay và bàn tay đang ở trong tư thế nằm. Động tác này không đều và không có hiện tượng lắc lư.

2. Một vài đặc điểm lâm sàng của run.

– Vị trí run: run có thể ở bất kỳ đâu, có thể chủ yếu là ngọn chi hoặc gốc chi, ở một bên hoặc cả hai bên mặt…

– Tính chất đều đặn của nó: khi khám hay nhận xét về run chúng ta cần chú ý:

+  Biên độ run.

+ Tần số của run.

+ Có các triệu chứng thần kinh kèm theo hay không?

–  Các tính chất của run được người ta phân làm 3 nhóm:

+ Các run khi nghỉ.

+ Các run khi vận động.

+ Các run tư thế (dấu hiệu người thách đấu kiếm của Garcin).

3. Nguyên nhân của run

3.1 Run khi nghỉ

– Run khi nghỉ là run đặc trưng cho bệnh Parkinsone.

–  Nó ngừng khi có hiện tượng co cơ.

–  Nó mất khi ngủ.

–  Run tăng lên  khi xúc cảm.

– Run xuất hiện chủ yếu ở ngọn chi.

– Run lúc đầu ở một bên cơ thể, về sau xuất hiện cả hai bên cơ thể.

– Tần số run vào khoảng 5 – 6 nhịp/giây.

Đôi khi nó xuất hiện cùng với run tư thế hoặc run khi vận động và vì thế có thể khó phân biệt với run vô căn.

Run khi nghỉ còn có thể được thấy ở những người bị hội chứng Parkinsone ở những bệnh nhân tâm thần, do trong điều trị dùng các thuốc an thần kinh (như Aminazine, Haloperidol…), hoặc trong bệnh Winlson.

3.2 Run tư thế

Run tư thế còn được gọi là run “hoàn cảnh”, nó xuất hiện khi cố gắng duy trì ở một tư thế và mất đi khi thả lỏng cơ hoàn toàn. Nó xuất hiện khi làm các động tác và gây khó cho các động tác như khi ăn, uống, viết…

3.2.1 Run vô căn

– Loại run này khá phổ biến, hay gặp ở những người 50 tuổi trở lên, nhưng cũng gặp cả người trẻ tuổi. Yếu tố gia đình hay gặp ở loại run này. Run vô căn xâm phạm chi trên, ở cổ (run của sếp), giọng nói (giọng nói run run).

– Tiến triển dần dần nặng lên.

– Tổn thương gốc chi kèm theo hiện tượng chậm chạp, có thể gây tàn phế nhất là khi nó xâm phạm cơ quay của vai.

– Run có thể mất đi khi sau khi uống rượu.

– Sinh lý bệnh học của loại run này chưa được biết rõ.

– Hiệu quả điều trị của Beta – Bloquant  là do tác dụng của nó trên thụ thể Beta Adrerecgic cơ. Tiểu não cũng đóng vai trò trong hiện tượng run này (giải thích vai trò của rượu). Vị trí tác động của Bacbituric và Benzodiazepin còn chưa được biết.

– Điều trị run vô căn: có thể dùng các loại thuốc sau (ở đây chúng tôi chỉ nêu có tính chất giới thiệu):

+ Propranolol: 60 – 240 mg/ngày.

+ Primidone: với liều tăng lên từ từ.

+ Benzodiazepine.

+ Esoniazide.

+ Phẫu thuật nếu run gây tàn phế cho người bệnh: bằng phương pháp cắt đồi thị hoặc kích thích vùng dưới đồi thị.

3.2.2 Run do ngộ độc và chuyển hoá

– Các gốc Xanthique.

– Salbutamal.

– Thuốc chống trầm cảm ba vòng.

– Thuỷ ngân.

– Bismuth.

– Bromure de méthyle.

– Lithium.

– Valproat.

– Nghiện rượu mạn tính.

– Cường giáp trạng.

– Hạ đường huyết.

– Cố gắng thể lực.

– Cơn lo sợ, hốt hoảng.

3.2.3 Run trong các bệnh dây thần kinh

– Tổn thương sừng trước tuỷ sống.

– Bệnh thần kinh do tiểu đường.

– Bệnh thần kinh do rượu.

– Bệnh viêm đa rễ và dây thần kinh.

– Bệnh thần kinh di truyền (bệnh Charcat – Marie – Tooth).

3.3 Run khi vận động (còn gọi là run tiểu não)

– Nó xuất hiện hoặc tăng lên khi vận động hữu  ý nên còn gọi là run cố ý.

– Nguyên nhân:

+ Xơ cứng từng đám: tổn thương hay gặp ở cuống tiểu não trên hoặc ở nhân đỏ trên ở tiểu não. Đó là mặt run biên độ lớn, từ 3 – 6 nhịp/giây, thường kèm theo rối loạn về vận động hữu ý như rối tầm và mất đồng vận.

+ Run sau chấn thương, kèm theo rối loạn trương lực cơ.

+ Tai biến mạch máu não dưới đồi thị

Run sau chấn thương sọ não và Tai biến mạch máu não, có thể xuất hiện sau nhiều tháng hoặc sau nhiều năm bị chấn thương sọ não hoặc Tai biến mạch máu não.

+ Run chữ viết, chỉ hạn chế ở chữ viết, thuyên giảm bởi các thuốc kháng Cholinnergic.

+ Run khi đứng: run xuất hiện vài giây sau khi đứng, có thể gây ngãcho người bệnh.

4. Sinh lý bệnh học của run.

– Các tế bào thần kinh bị dao động: người ta ghi nhận được sự thay đổi liên tục của hai trạng thái kích thích và yên lặng điện, có liên quan đến hoạt động di chuyển của ion Natri qua màng tế bào.

– Các mạng lưới thần kinh trong nuôi cấy có hoạt động có nhịp một cách tự phát.

– Sự tác động của các yếu tố cơ học: tần số cộng hưởng của các chi có ảnh hưởng: nó là 9 Hertj đối với cổ tay và 2 Hertj đối với vai.

– Các yếu tố bản thể: run có thể thay đổi bởi sự di chuyển một đoạn chi.

– Vai trò can thiệp của tiểu não:

Nhũn tiểu não một bên có thể làm mất đi mặt bị run vô căn.

– Run trong xơ cứng từng đám: thường là do tổn thương cuống bên não trên.

– Trám hành cũng có một vị trí liên quan: hoạt động nhịp 5 – 10/giây.

– Đồi thị cũng là vị trí của một hoạt động nhịp 10 Hertj.

– Vỏ não cũng tác động thông qua hệ phóng chiếu đồi thị – vỏ não.

    TÓM LẠI:

run có thể là kết quả của hiện tượng “không lọc” của các hoạt động có nhịp bởi các bó:

+ Nhân răng – trám cầu tiểu não.

+ Nhân răng – đồi thị.

+ Liềm đen – thể vân.

Từ đó có thể là cơ sở cho các ý tưởng can thiệp bằng phẫu thuật, kích thích sâu trong nhân bụng trung gian của đồi thị, có hiệu quả tương tự như cắt đồi thị.

Trong đông y người ta quán thể run là do can vì can chủ về cân, chữa run phải chữa vào tạng can, thường bằng bài thuốc cổ gọi là bổ can thang:

Xuyên khung 12 gram
Đương quy 12 gram
Thục địa 16 gram
Bạch thược 16 gram
Mạch môn 12 gram
Cam thảo 08 gram
Mộc qua 12 gram
Táo nhân 12 gram

Ngô Quang Trúc

Ts.Bs Cao cấp chuyên ngành Thần Kinh

Doctor SAMAN

[{"src":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2015\/03\/run-chan-tay-yhocbandia.jpg","thumb":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2015\/03\/run-chan-tay-yhocbandia.jpg","subHtml":"Run tay"}]