Gây mê tĩnh mạch đơn thuần hiện nay chỉ còn được áp dụng cho các thủ thuật ngắn, có kế hoạch (không làm cho bệnh nhân cấp cứu), ít xâm nhập, bệnh nhân ngoại trú, hoặc ở một số địa phương chưa có đủ điều kiện để gây mê nội khí quản cho tất cả các bệnh nhân. Nhưng gây mê tĩnh mạch cũng chỉ được tiến hành ở những nơi có đủ điều kiện để chủ động thông khí, có oxy, máy hút, có thể đặt được ống nội khí quản (NKQ) hoặc mát thanh quản (MTQ), khi cần.

1. Chuẩn bị bệnh nhân:

– Thực hiện đầy đủ các yêu cầu của chuẩn bị bệnh nhân mổ có kế hoạch (xem bài thăm khám bệnh nhân trước mổ). Đặc biệt là phải đảm bảo bệnh nhân có dạ dày rỗng theo “nguyên tắc 2/4/6”.

– Chuẩn bị trước một đường truyền tĩnh mạch chắc chắn để tiêm thuốc, truyền dịch trong khi mổ.

– Cho thở oxy 100% qua mát hở hoặc qua ống thông mũi 3-5 lít/phút

2. Chuẩn bị thuốc:

– Chuẩn bị phương tiện làm hô hấp nhân tạo: bóng bóp, mát, ống NKQ, MTQ, oxy, máy hút, ống hút, đèn soi thanh quản. Nếu có thể có máy gây mê để sẵn là tốt hơn.

– Pha dung dịch thiopental 2,5%, nếu bệnh nhân yếu thì pha dung dịch loãng hơn: 1,25%; 1% hoặc 0,5%. Hoặc thuốc mê Propofol hút sẵn ra bơm tiêm, nếu có thể có bơm tiêm điện dùng truyền liên tục Propofol sẽ thuận tiện hơn.

– Cần chuẩn bị sẵn các thuốc cấp cứu cơ bản.

3. Kỹ thuật

– Tiền mê: chỉ nên cho atropin, thuốc ức chế bài tiết dịch vị, hạn chế sử dụng hoặc chỉ cho liều lượng nhỏ các thuốc an thần, giảm đau họ nha phiến để tránh ức chế hô hấp.

– Nên để bệnh nhân nằm ngửa, đầu hơi nghiêng sang bên, hoặc kê một gối nhỏ dưới vai để tránh tụt lưỡi.

– Nên dùng phương pháp liều lượng nhỏ, tiêm thật chậm vào tĩnh mạch: khởi mê bằng thiopental liều lượng 2-4mg/kg, cho đến khi mất tri giác; tiêm thêm 2 – 4ml nếu còn đau; tiêm thêm 4m nữa và bắt đầu mổ. Về sau mỗi lần bệnh nhân tỉnh tiêm thêm 2 – 4ml. Trong khi tiêm phải theo dõi thật sát nhịp thở, nếu có thay đổi như thở chậm lại hoặc nhanh hơn phải ngừng tiêm, cho bệnh nhân thở lại tốt rồi mới tiếp tục tiêm cho đến khi có thể mổ được.

– Nếu dùng Propofol (Diprivan), khởi mê bằng 2mg/kg, sau đó truyền tĩnh mạch liên tục bằng bơm tiêm điện liều lượng 5-10mg/kg/giờ, cần đánh giá tri giác và huyết động để điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp.

4. Chỉ định

Mổ các phần mềm, chi, các thủ thuật nội soi, chụp cộng hưởng từ… với thời gian ngắn khoảng dưới 1giờ.

5. Chống chỉ định:

-Bệnh nhân bị khó thở do bất kỳ nguyên nhân nào, suy tim, suy thận, suy gan cấp tính, sốc hay truỵ tim mạch nặng, cao huyết áp, bệnh động mạch vành.

– Trẻ em dưới 5 tuổi, cụ già trên 60 tuổi

– Bệnh nhân có dạ dày đầy.

-Mổ đẻ, khi chưa lấy được con ra khỏi bụng mẹ.

6. Xử trí khi có biến chứng:

– Khi bệnh nhân ngừng thở: làm hô hấp nhân tạo bằng cách úp mát có oxy và bóp bóng. Khi cần thiết có thể đặt mát thanh quản hoặc ống nội khí quản.

– Khi bệnh nhân bị tụt huyết áp: truyền tĩnh mạch nhanh bằng dung dịch NaCl 0,9%, hoặc Ringerlactat, hoặc tiêm thuốc kích thích giao cảm như ephedrin.

– Khi bị ngừng tim: hồi sức tổng hợp ép tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo, truyền dịch, tiêm thuốc trợ tim như những trường hợp bị ngừng tim do các nguyên nhân khác(A-B-C..).

– Khi bị co thắt thanh quản: tiêm atropin ½ mg vào tĩnh mạch. Cho thở oxy 100%. Nếu không hiệu quả, mở khí quản nhanh bằng bộ minitract, hoặc chọc kim số 14g qua màng giáp nhẫn để thông khí nhân tạo. Nếu không được, gây tê thanh quản bằng xylocain 2% qua màng giáp nhẫn, tiêm thuốc giãn cơ succinylcholin để đặt ống nội khí quản làm hô hấp nhân tạo.

NGUỒN

ĐẠI HỌC Y KHOA HÀ NỘI

Trang web : www.ykhoaviet.tk

Email : lesangmd@gmail.combachkhoayhoc@gmail.com 

Điện thoại : 0973.910.357

Viện Y học bản địa Việt Nam trân trọng cảm ơn BS Lê Đình Sáng đã chia sẻ nội dung trên!

Doctor SAMAN

[{"src":"chrome-extension:\/\/lifbcibllhkdhoafpjfnlhfpfgnpldfl\/call_skype_logo.png","thumb":"chrome-extension:\/\/lifbcibllhkdhoafpjfnlhfpfgnpldfl\/call_skype_logo.png","subHtml":""}]