Khi hệ miễn dịch bị "Lầm đường lạc lối"

   Miễn dịch là một vấn đề lớn trong y học trên thế giới từ trước đến nay, nó liên quan đến nhiều bệnh trong đó đặc biệt là những bệnh khó chữa như bệnh viêm và thoái hóa khớp, bệnh tiểu đường, hen ...Từ nghiên cứu sâu về miễn dịch, các nhà khoa học đã ứng dụng nó trong việc nghiên cứu vắc xin và đã thanh toán và phòng được các dịch bệnh nguy hiểm như đậu mùa, bại liệt, viêm não Nhật Bản v.v ; Nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, khi đại dịch Covid -19 ( liên quan nhiều đến cơ chế miễn dịch và vắc xin) trên toàn cầu đang diễn biến phức tạp và khó lường và sự hiểu biết của con người tường tận về miễn dịch nhìn chung còn có những hạn chế nhất định nên nhiều vấn đề còn tồn tại  cần phải nghiên cứu tiếp để làm sáng tỏ thêm. Viện Y học bản địa Việt Nam trong nhiều năm qua đã nghiên cứu về bệnh nguyên, bệnh sinh, phòng và điều trị các bệnh liên quan đến miễn dịch gồm các bệnh xương khớp, tiểu đường, hen xuyễn... với các sản phẩm: Khớp Saman (chữa bệnh khớp), Ramjec Saman (chữa tiểu đường), HPQ (phòng và chữa hen)...đã đưa vào điều trị có hiệu quả.

  Con người muốn tồn tại và phát triển cần dựa vào thiên nhiên, trong quá trình sống con người  phải thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân như không khí, đất, nước, động thực vật... trong đó đặc biệt là các tác nhân có hại trong môi trường đất, môi trường nước và không khí...Ngày nay, ô nhiễm môi trường có xu hướng ngày càng gia tăng do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, do nạn chặt phá rừng, khai thác khoáng sản, do sự tham gia quá tải của các phương tiện giao thông...  ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Vì vậy, vấn đề sức khỏe và vệ sinh – môi trường là vấn đề thời sự toàn cầu. Sự ô nhiễm môi trường sẽ gây khí hậu thay đổi, nhiệt độ trái đất nóng lên và sản sinh ra nhiều chất lạ, các chất độc hại và đặc biệt cũng kéo theo các loại virus, vi khuẩn cũng biến đổi theo... từ đó ảnh hưởng rất lớn đến hệ miễn dịch của chúng ta, gây nhiều bệnh nguy hiểm đặc biệt là các bệnh có liên quan đến miễn dịch.

  Theo lẽ thông thường, một khi các tác nhân lạ vào cơ thể con người thì hệ miễn dịch sẽ phát hiện và định vị chúng, sau đó “gửi đội quân” là những tế bào bạch cầu đến; Nhưng không phải như chúng ta tưởng từ trước đến nay: Hệ miễn dịch không thể tiêu diệt chúng. Theo tiến sỹ Gerard Ebert giám đốc viện Pasteur Paris cho biết: “Vai trò của hệ miễn dịch chỉ là phát hiện các vật thể lạ và theo dõi chúng mà thôi”. Hệ miễn dịch chỉ tiêu diệt “vật thể lạ” khi chúng có biểu hiện đe dọa thực sự với cơ thể như khi vi khuẩn “sinh sôi” hay khi một tế bào trong cơ thể bị thoái hóa biến thành tế bào ung thư, những đáp ứng miễn dịch này xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi trong cơ thể.

  Tuy nhiên, hệ miễn dịch này không phải lúc nào cũng “đúng” mà đôi khi cũng có “sai lầm” và khi mắc “sai lầm”  hậu quả là gây bệnh cho con người.

 Loại thứ nhất: Gặp trong một số trường hợp di truyền, hệ miễn dịch lại quá “nhạy cảm” đối với những chất vô hại nên đã đáp ứng “quá mức” với những chất vô hại này. Người ta thấy ở các nước phát triển có đến 15 – 30% dân số chịu đựng phản ứng này, trong vòng 30 năm lại đây, tần suất gần như tăng gấp đôi và các dạng nặng do hen suyễn vì dị ứng tăng gấp 5 lần. Lý do làm sao lại có hiện tượng quá “nhạy cảm” và đáp ứng “quá mức” đến nay chưa có lời giải đáp thích đáng.

   Loại rối loạn thứ hai gây bệnh gọi là bệnh tự miễn (Auto – Immune): Bệnh xảy ra khi các tế bào bạch cầu không phân biệt được đâu là tế bào “của mình” và đâu là vật thể lạ (gọi là tế bào sai lệch) kết quả là chúng quay sang “tấn công” chính cơ quan của cơ thể mình. Người ta thấy hiện tượng tự miễn này có thể xảy ra ở bất kể ở người nào. Bình thường, ngay cả khi tạo ra các tế bào miễn dịch, các tế bào sai lệch này có khả năng “tấn công” cơ thể hoặc tạo ra các kháng thể có khả năng hủy hoại cơ thể.

   Hiện nay, các nhà khoa học thấy có ít nhất 80 bệnh tự miễn đã được xác định, với các triệu chứng khác nhau tùy theo cơ quan trong cơ thể bị bệnh, ví dụ: Bệnh Xơ cứng rải rác (Sclerose en plaques) thì tiêu diệt màng bảo vệ của tế bào thần kinh (Neuron); Bệnh Crohn thì diệt tế bào niêm mạc ruột non, trong bệnh vẩy nến (Psoriaris) thì các tế bào thượng bì bị tấn công nên tạo ra một sự thay mới quá nhanh của da; Trong bệnh viêm đa khớp dạng thấp thì mục tiêu chính là trung mô khớp; với tiểu đường thì mục tiêu là tế bào beta tụy; bệnh Lupus thì tất cả các cơ quan đều bị tấn công; ...

  Thống kê cho biết có 5 triệu người Pháp bị mắc bệnh tự miễn, đã tạo ra nhóm bệnh thứ ba có tỷ lệ tử vong chỉ sau bệnh ung thư và tim mạch. Mặc dù nguyên nhân bệnh tự miễn chưa được rõ, nhưng người ta thấy thường xuất hiện ở những người có yếu tố gen, hiếm hoi thì một gen duy nhất bị tổn thương, nhưng thực tế thì rất nhiều, có khoảng 100 gen liên quan đến miễn dịch và điều đó giúp chúng ta giải thích một số bệnh tự miễn có yếu tố di truyền.

  Ngoài yếu tố gen, còn một số yếu tố khác trong phản ứng thái quá của hệ miễn dịch: Đó là khuẩn lạc ở ruột non. Hệ sinh thái này với hàng tỷ vi khuẩn, virus,  và vi nấm cư trú trong đường ruột, được tạo ra ngay lúc trẻ mới được sinh ra do tiếp xúc với các vi sinh vật ở âm đạo của người mẹ, rồi trong 3 tháng đầu đời bú sữa mẹ và do quá trình tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Sự cân bằng của khuẩn lạc này là rất cần thiết cho cơ thể và chức năng của hệ miễn dịch. Thực vậy, các nghiên cứu gần đây cho thấy những đứa trẻ sống ở vùng nông thôn được tiếp xúc với thú nuôi và các mầm bệnh...có một khuẩn lạc ruột đa dạng hơn và cân bằng hơn so với những trẻ sống ở thành thị. Ngoài ra chúng cũng ít bị các chứng dị ứng và hen suyễn hơn. Các vi khuẩn trong hệ tiêu hóa tương tác với bạch cầu của chúng ta và tham gia “huấn luyện” chúng, nghĩa là tập cho chúng “nhận diện các vật thể lạ”. Hơn nữa việc “huấn luyện “ này không chỉ có ở ruột mà có cả ở các khuẩn lạc ở miệng, da, âm đạo... cũng tham gia.

  Các vi khuẩn sống cộng sinh trong cơ thể cũng có thể gây ra phản ứng miễn dịch để bảo vệ chúng ta đối với các tác nhân gây nhiễm trùng. Nếu khuẩn lạc và hệ miễn dịch hoạt động liên kết chặt chẽ và hài hòa với nhau thì có lợi cho sức khỏe. Ngược lại, sức khỏe chúng ta sẽ bất lợi và các bệnh dị ứng hay tự miễn sẽ xuất hiện và liên quan đến sự mất cân bằng này. Người ta thấy ở những người mắc bệnh tự miễn có hệ khuẩn lạc nghèo nàn hơn so với người khỏe mạnh, trong khuẩn lạc của người mắc bệnh thấy vi khuẩn có ích hiếm hơn và vi khuẩn có hại lại nhiều hơn. Sự bất thường này cũng thấy ở những người đã mổ đẻ hay những người không được nuôi bằng sữa mẹ, dùng quá nhiều kháng sinh trong thời kỳ thơ ấu; Hoặc ăn quá nhiều chất béo, đường và ít chất xơ.

  Nhận xét này mở ra hướng mới trong điều trị và phòng ngừa các bệnh về dị ứng và miễn dịch:  Đó là cấy ghép lại một khuẩn lạc tức là ghép phân.

  Ngoài ra, cũng có một phương pháp khác là tái lập cân bằng khuẩn lạc nhờ vào việc ăn các thức ăn giàu các vi khuẩn có lợi ( gọi là Probiotic) như các chế phẩm lên men (Kefir, yaourt, dưa bắp cải...) hay một số thực phẩm chức năng. Các thử nghiệm lâm sàng trong thời gian gần đây với những người mắc bệnh Crohn, Xơ cứng rải rác, viêm đa khớp dạng thấp...thì Probiotic kết hợp với các liệu pháp cổ điển có thể làm nhẹ các triệu chứng của các bệnh này. Về chứng dị ứng cũng cho kết quả khả quan khi dùng Probiotic qua nghiên cứu của giáo sư Antoine Magnan khi nghiên cứu sử dụng Probiotic trên chuột mang thai thì phòng ngừa được chứng dị ứng ở chuột con và các công trình nghiên cứu của nhiều tác giả khác đã thử nghiệm lâm sàng trên thai phụ để đánh giá hiệu quả của Probiotic trong phòng ngừa bệnh viêm da dị ứng ở trẻ sơ sinh.

  Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những nghiên cứu thành công ban đầu, theo các nhà khoa học vẫn còn phải tiếp tục nghiên cứu liệu pháp khuẩn lạc, đặc biệt là phải cá nhân hóa Probiotic cho từng bệnh nhân để sử dụng.

TS.BS Ngô Quang Trúc

[]