Tạp bệnh

Chẩn đoán học đông y

Chẩn đoán học đông y gồm 2 phần chính: khai thác triệu chứng bệnh bằng 4 phương pháp vọng văn vấn thiết gọi là tứ chẩn, quy nạp các triệu chứng thành 8 hội chứng bệnh chính gọi là bát cương. Từ những tư liệu của 2 phần trên triển khai sâu hơn đi tới […]

Chẩn đoán học đông y gồm 2 phần chính: khai thác triệu chứng bệnh bằng 4 phương pháp vọng văn vấn thiết gọi là tứ chẩn, quy nạp các triệu chứng thành 8 hội chứng bệnh chính gọi là bát cương. Từ những tư liệu của 2 phần trên triển khai sâu hơn đi tới các chẩn đoán bệnh danh, kinh lạc, tạng phủ, khí huyết..

I.Tứ chẩn:

1.     Vọng chẩn: Vọng chẩn là trông người chẩn đoán, khác với quan sát, nhìn, chiêm, thấy…vọng chẩn là hình thức nhìn có tư duy cao, cái nhìn có so sánh, đánh giá nhưng không bị mặc định, định kiến để tìm hiểu bản chất của bệnh tật. Vọng chẩn chủ yếu bằng mắt.

+     Vọng thần cho biết trạng thái tinh thần người bệnh, thần cho giá trị tiên lượng. Thần tốt tiên lượng khả quan, thần xấu tiên lượng kém, dè dặt. Thần biểu hiện ở phong độ, đi lại, dáng đứng, bước đi, khả năng tỉnh táo trong giao tiếp, độ cảm ứng và phản ứng với hoàn cảnh. “Thần xuất ta mắt, nhắm mắt vào thần nhập vào tâm”, nên vọng thần chú ý vào con mắt, sự lanh lợi của con ngươi. Con người sáng, ánh mắt linh động, con ngươi linh hoạt là thần tốt, ngược lại là thần kém.

+     Vọng sắc: Màu sắc da bất thường cho biết định hướng bệnh, màu vàng bệnh tạng tỳ, màu xanh bệnh tạng can, màu đỏ bệnh tạng tâm, màu đen bệnh tạng thận, màu trắng bệch bệnh tạng phế.

+     Hình dáng gầy thường nhiệt, béo phì nhiều đàm, hay ngồi lâu hại khí, hay đứng lâu hại thận, nằm lâu khí huyết không lưu thông, dáng đi tập tễnh có tật chân, dáng đi vạt tép do liệt nửa thân đang phục hồi…

+     Chất lưỡi: Chất lưỡi màu đỏ rực là nhiệt mạnh, đỏ bóng là âm hư cực độ nguy cơ vong âm vong dương. Chất lưỡi màu nhạt bệch là hiện tượng thiếu máu và hư hàn.

+     Rêu lưỡi màu vàng là nhiệt, vàng ướt thấp nhiệt, vàng khô thực nhiệt, vàng bẩn nhiệt độc. Rêu lưỡi màu trắng hư hàn, trắng dày hàn nhiều trắng mỏng hàn ít, không rêu là vị âm hư. Lưỡi đen dù ướt hay khô đều tiên lượng dè dặt.

+     Môi nhợt nhạt là kém ăn, thiếu máu, môi miệng bị viêm nhiệt là do phủ vị bị nhiệt…

+     Run chân tay là can huyết hư, đi đứng không vững là can thận suy yếu, ăn hai uể oải là tỳ hư…

2.     Văn chẩn là nghe ngửi:

+     Nghe âm thanh phát ra bởi người bệnh như tiếng bước đi, tiếng nói, ho, tiếng thở, tiếng rên, tiếng nôn mửa, tiếng cựa mình, tiếng trung đại tiện…để định thực hư.

+     Ngửi mùi người bệnh, mùi gường bệnh, mùi các chất thải để tiên lương tốt xấu.

3.     Vấn chẩn là hỏi bệnh:

+     Hỏi ngày bị bệnh nắng hay mưa, ẩm hay khô, nhiều gió không, có lạnh không để định hướng bệnh hàn hay nhiệt, táo hay thấp…

+     Hỏi bệnh cũ, hỏi thổ ngơi, sinh hoạt khởi cư…

+     Hỏi hàn nhiệt: ưa nóng ấm hay mát lạnh, có dùng quạt không, có đắp chăn bông không, đắp chăn có thò chân ra ngoài không…

+     Hỏi thức ăn: ưa ăn thức ăn nóng hay ăn nguội, ăn đò nóng như gừng cay, ớt, hạt tiêu hay thích hoa quả mát.

+     Hỏi mồi hôi: tự ra mồi hôi là tự hãn dương khí hư, ra mồ hôi trộm là đạo hãn do âm hư, ra mồi hôi như tắm là vong dương, ra mồi hôi nhiều, dính nhớt là vong âm.

+     Hỏi đau: Đau đầu trước trán là kinh dương minh, đau thái dương là thiếu dương, đau sau gáy là kinh thái dương, đau đỉnh đầu là kinh can, đau bó thắt quanh đầu là kinh tỳ. Đau trước ngực là húng tý tâm thống, đau mạng sườn là kinh can, mụn nhọt dau lưng là hậu bối..

+     Hỏi sức ăn: đói không ăn được là do vị, ăn được nhưng không muốn ăn là do tạng tỳ, ăn mau đói là vị nhiệt, lâu đói, ăn kém là tỳ hư.

+     Hỏi giấc ngủ: ngủ giạt mình do can, mê man, nói mơ do tâm, ngủ kém bồn chồn thổn thức là tâm âm hư nội nhiệt…rối loạn giấc ngủ chủ yếu do tâm hoặc biểu hiện ở tâm.

+     Hỏi đại tiện: Phân nát như phân vịt là tỳ hư hàn, đại tràng thấp hàn, phân táo bón kéo dài là âm hư, ngồi nhiều ít vận động táo bón là khí hư, người già yếu dương hư cũng có thể táo bón hoặc ỉa chảy.

+     Hỏi tiểu tiện: Đái đêm nhiều lần là thận dương hư, thận khí kém, đái lắt nhắt là thấp nhiệt, đái đục là trọc lâm do dưỡng chấp hoặc do sỏi tiết niệu.

+     Hỏi sinh lý tình dục: xuất tinh sớm, di mộng tinh là thận âm hoặc thận dương hư, liệt dục hoàn toàn thường do thận dương tổn thương, lãnh cảm nữ do tâm thần hoặc do thận suy hư.

+     Hỏi thêm về tai nạn, sinh đẻ, tiểu sản, kinh nguyêt. Kinh nguyệt muộn kỳ có thể có thai hay huyết hư, kinh huyết cục tím bầm do huyết nhiệt, sắc kinh loãng đen hàn thịnh, hành kinh đau bụng, căng ngực là can uất…

4.     Thiết chẩn: Thiết chẩn là xem mạch, có nhiều vị trí xem mạch nhưng thông dụng nhất là xem mạch thốn khẩu.

+     Mạch phù chạy nổi ngay dưới da, đặt nhẹ tay đã thấy, ấn sâu mạch như yếu dần, nhâng tay lên mạch lại mạnh dần. Mạch phù chủ bệnh ở biểu.

+     Mạch trầm ấn sát xương mới thấy mạch đập, trầm chủ bệnh ở lý, trầm có lực là lý thực, trầm vô lực là lý hư.

+     Mạch trì mạch chậm < 60 lần/phút, mạch trì chủ chứng hàn.

+     Mạch sác trên 80 lần / phút, sác chủ chứng nhiệt

+     Mạch hoạt đi lại trơn tru lưu lợi, hoạt chủ chứng có thai.

+     Mạch sáp đi lại sáp sít như có sư cản trở, trì trệ, sáp chủ về khí trệ huyết ứ.

Ngoài ra còn sờ nắn, xem xét ngực bụng, khối u, tình trạng phù thũng…

II. Bát cương: Là sự quy về hội chứng từ các tài liệu thu được qua tứ chẩn

1.     Hai cương biểu lý:

+     Biểu chứng là chỉ chứng bệnh còn lưu trú tại biểu hoặc bệnh mới mắc do ngoại tà với biểu hiện mạch phù sơ gió, sợ lạnh…

+     Lý chứng là chỉ bệnh đã ở trong sâu của cơ thể như nội tạng, rối loạn cấu tạo máu, rối lọan cấu trúc của cơ thể, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn phát, biến chứng…

2.     Hai cương hàn nhiệt:

+     Hàn chứng biểu hiện của nguyên nhân bệnh do nội hàn hoặc ngoại hàn, hoặc do dương hư sinh hàn: Sợ lạnh, rêu lưỡi trắng, tay chân lạnh, phân lỏng nát, tiểu nhiều trong, thời tiết lạnh bệnh tăng, mạch trì.

+     Nhiệt chứng: Biểu hiện bệnh do nội nhiệt, ngoại nhiệt: Sợ nóng, rêu lưỡi vàng, phân táo bón, tiểu ít đỏ, trời nóng bệnh tăng, mạch sác.

3. Hai cương thực hư:

+     Thực chứng người bệnh còn khỏe mạch có lực, bệnh mới mắc trên những người có thể chất tốt.

+     Hư chứng người bệnh đuối sức, mạch vô lực, bệnh mắc đã lâu trên người già, thể chất yếu.

4. Hai cương âm-dương:

+     Âm chứng thường do lý hư hàn hình thành

+     Dương chứng do biểu thực nhiệt mà thành.

5. Những trường hợp bất thường cần lưu ý:

+     Bán biểu bán lý do bệnh chưa vào hẳn trong phần lý nhưng cũng không còn ở biểu, gây triệu chứng hàn nhiệt vãng lai.

+     Thượng hàn hạ nhiệt, thượng nhiệt hạ hàn gây khó khăn trong chẩn đoán.

+     Chân nhiệt giả hàn, chân hàn giả nhiệt cần có phân biệt bản chất và hiện tượng.

+     Thực hư thác tạp trong thực có hư, trogn hư có thực, điều trị cần công bổ kiêm thi.

Doctor SAMAN

Tác giả

Giới thiệu về tác giả

Sưu tầm

Bình luận

Bấm vào đây để viết bình luận