I . ĐẠI CƯƠNG.

1. Định nghĩa:

Chấn thương ngực kín là những tổn thương lồng ngực do các nguyên nhân khác nhau, nhưng không có mất sự liên tục của tổ chức da bao quanh lồng ngực. Vết thương ngực là các tổn thương lồng ngực trong đó có mất sự liên tục của da thành ngực

2. Nguyên nhân:

2.1. Chấn thương ngực:

– Trực tiếp: do lồng ngực bị một vật tù đập mạnh vào.

– Gián tiếp: do lồng ngực bị đè ép giữa hai vật.

– Do sóng nổ.

2.2. Vết thương ngực:

– Do vật nhọn đâm.

– Do đạn, mảnh hoả khí.

II . CÁC BIỆN PHÁP THĂM KHÁM.

1. Thăm khám lâm sàng:

1.1. Nguyên tắc khám xét chung:

– Trước hết phải khám nhanh để xác định tình trạng sốc, suy hô hấp và những tổn thương quan trọng ở lồng ngực của bệnh nhân.

– Tiếp đó khám toàn thân nhanh chóng để xác định và không bỏ sót các tổn thương phối hợp (sọ não, bụng, tứ chi, cột sống…).

– Khi điều kiện cho phép thì cho làm các khám xét cận lâm sàng cần thiết khác: chụp X.quang ngực, công thức máu, nhóm máu…

1.2. Hỏi bệnh:

Có thể hỏi bệnh nhân hoặc người hộ tống nếu bệnh nhân nặng.

– Thời gian, hoàn cảnh bị thương.

– Cơ chế bị thương.

– Những triệu chứng ban đầu ngay sau chấn thương: ngất, đau ngực, khó thở, ho ra máu, hiện tượng phì phò sùi bọt máu tại chỗ vết thương…

– Các biện pháp sơ cứu và diễn biến của các triệu chứng nói trên.

1.3. Khám thực thể:

1.3.1. Xác định tình trạng sốc của bệnh nhân:

– Tri giác: tỉnh táo hay thờ ơ, mất tri giác, giãy giụa…

– Da và niêm mạc: nhợt nhạt, toát mồ hôi lạnh, tím đầu chi…

– Mạch: nhanh, nhỏ, không đều…

– Huyết áp: huyết áp tụt.

– Thân nhiệt: thường giảm trong các tình trạng sốc nặng.

– Nhịp thở: nhanh, nông, không đều.

– Các phản xạ, cảm giác, trương lực cơ: giảm hoặc mất.

1.3.2. Xác định tình trạng suy chức năng hô hấp:

Các triệu chứng cơ bản của suy hô hấp là:

– Nhịp thở nhanh trên 25 lần/1 phút, cánh mũi phập phồng, rút lõm hố trên đòn, tiếng thở thô, rít hay khò khè do ứ đọng đờm dãi.

– Vã mồ hôi lạnh, tím môi và đầu chi.

– Mạch nhanh, huyết áp tăng trong giai đoạn đầu.

– Nghe phổi có nhiều tiếng thở rít hoặc ran ứ đọng.

– Bệnh nhân có thể ở tình trạng kích thích, vật vã hoặc nếu suy hô hấp nặng có thể trong tình trạng lơ mơ, mất tri giác…

1.3.3. Khám lâm sàng các tổn thương lồng ngực:

– Khám các tổn thương ở thành ngực: vết thương thành ngực, gãy xương sườn, tràn khí dưới da…

– Khám các tổn thương ở màng phổi: tràn khí khoang màng phổi, tràn dịch khoang màng phổi…

– Khám tìm các tổn thương khác ở lồng ngực: tràn máu màng ngoài tim, tràn khí trung thất… 

1.3.4. Khám xác định các tổn thương phối hợp của các cơ quan khác:

Trong chấn thương ngực cần phải chú ý khám toàn diện để phát hiện các tổn thương của các cơ quan khác như: sọ não, bụng, tứ chi, cột sống, tiết niệu… Rất nhiều trường hợp các tổn thương này bị bỏ sót dẫn tới hậu quả nặng cho bệnh nhân.

2. Các thăm khám cận lâm sàng:

2.1. Thăm khám X quang:

Trong chấn thương ngực, thăm khám X quang (chiếu và chụp thường) là biện pháp chẩn đoán rất có giá trị không những để xác định mức độ các tổn thương mà còn giúp theo dõi tiển triển của bệnh trong quá trình chẩn đoán và điều trị. Cần đánh giá tỉ mỉ và trình tự các tổn thương trên phim chụp X quang lồng ngực quy ước (chụp thẳng và nghiêng).

2.1.1. Thành ngực và hai vòm hoành:

– Hình tràn khí dưới da thành ngực: tạo thành các vệt sáng nằm giữa khung xương sườn và da.

– Hình gãy xương sườn: vị trí, hình thái, di lệch…

– Góc sườn-hoành: mờ và mất góc nhọn trong tràn máu màng phổi.

– Vòm hoành: trong chấn thương ngực có rách cơ hoành, vòm hoành mất độ cong sinh lý và có hình các tạng trong ổ bụng thoát vị qua vết rách cơ hoành lên lồng ngực (bóng hơi dạ dày hoặc các bóng có mức hơi-mức nước nhỏ của các quai ruột nằm trên lồng ngực).

2.1.2. Khoang màng phổi:

– Tràn khí khoang màng phổi: có hình vệt sáng của khí nằm giữa thành ngực và nhu mô phổi bị ép thu về phía rốn phổi. Có thể chia ra ba mức độ tràn khí khoang màng phổi:

+ Nhẹ: phổi bị ép vào trong phạm vi 1/3 ngoài của phế trường.

+ Vừa: phổi bị ép vào tới phạm vi của 1/3 giữa phế trường.

+ Nặng: phổi bị ép hoàn toàn vào phạm vi 1/3 trong cùng của phế trường.

– Tràn dịch-máu khoang màng phổi: có hình mờ góc sườn-hoành và phần dưới của trường phổi, giới hạn trên của vùng mờ làm thành một đường cong lõm lên trên và vào trong phía rốn phổi (đường cong Damoiseau). Có thể chia ra ba mức độ tràn dịch màng phổi:

+ Nhẹ: mờ hoặc tù góc sườn – hoành.

+ Vừa: mờ hết vòm hoành nhưng giới hạn trên của hình mờ do tràn dịch (đường cong Damoiseau) chưa vượt quá góc dưới xương bả vai.

+ Nặng: giới hạn trên của hình mờ do tràn dịch đã vượt quá góc dưới xương bả vai.

– Kết hợp tràn dịch và tràn khí khoang màng phổi: có hình tràn khí màng phổi ở phía trên và hình tràn dịch màng phổi ở phía dưới phế trường. Ranh giới giữa hai vùng tràn khí và tràn dịch thường là một mức ngang.

2.1.3. Nhu mô phổi:

– Hình rốn phổi đậm và các đốm mờ không đều trong nhu mô phổi do tăng tiết, ứ trệ đường thở và xung huyết trong nhu mô phổi.

– Hình xẹp phổi: đám mờ hình tam giác có đỉnh ở rốn phổi và đáy ở phía ngoại vi trường phổi. Gặp trong xẹp phổi do đường thở bị tắc vì ứ trệ các chất xuất tiết hoặc máu.

– Hình phổi bị ép về phía rốn phổi trong tràn khí màng phổi.

2.1.4. Trung thất:

– Hình trung thất bị chèn đẩy sang bên lành trong tràn dịch hay tràn khí khoang màng phổi.

– Hình tràn khí trung thất: có hình hai dải sáng nằm dọc hai bên trung thất trên phim chụp ngực thẳng. Trên phim chụp nghiêng có thể thấy rõ các cột khí chạy dọc giữa các cơ quan trong trung thất.

2.1.5. Tim:

– Có thể bị chèn đẩy sang bên lành (cùng trung thất) trong tràn dịch tràn khí khoang màng phổi.

– Hình bóng tim to ra, mất các cung tim thông thường… trong tràn máu màng ngoài tim.

2.2. Siêu âm:

Trong nhiều trường hợp các triệu chứng lâm sàng và X quang lồng ngực không rõ ràng thì có thể thăm khám siêu âm khoang màng phổi để phát hiện tràn máu khoang màng phổi.

2.3. Các phương pháp thăm khám hình ảnh khác:

Trong những cơ sở được trang bị tốt và tùy điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, các phương pháp thăm khám bằng hình ảnh khác có thể được dùng để chẩn đoán các chấn thương và vết thương ngực là: chụp CT, chụp MRI… Các phương pháp này cho giá trị chẩn đoán xác định bệnh rất chính xác, đặc biệt là các trường hợp chấn thương và vết thương ngực có kèm các tổn thương phức tạp nhiều cơ quan khác nhau trong ngực và bụng 3. Chọc hút thăm dò khoang màng phổi: Để xác định chẩn đoán tràn máu và tràn khí màng phổi; đồng thời cũng có tác dụng điều trị trong những trường hợp tràn máu, tràn khí màng phổi mức độ nhẹ. Vị trí chọc hút khoang màng phổi: chọc hút khí thường ở điểm liên sườn II cắt đường giữa đòn, chọc hút máu thường ở liên sườn VII đường nách giữa hay liên sườn VIII đường nách sau. Đây là biện pháp chẩn đoán rất có giá trị, dễ thực hiện, cho kết quả khẳng định được chẩn đoán nên được sử dụng khá thường xuyên trong các chấn thương và vết thương ngực. Tuy nhiên cần phải được tiến hành trong điều kiện bảo đảm được vô trùng tốt để tránh biến chứng bội nhiễm, dẫn đến mủ màng phổi.

III – TRIỆU CHỨNG HỌC.

1. Tổn thương xương sườn:

1.1. Gãy xương sườn:

– Điểm đau khu trú: có thể đau tự nhiên khi bệnh nhân thở hoặc khám tìm điểm đau chói (dùng ngón tay trỏ ấn dọc theo xương sườn từ trước ra sau để tìm điểm đau chói hoặc dùng lòng bàn tay ấn nhẹ lên xương ức của bệnh nhân để tìm điểm đau chói nằm trên xương sườn gãy).

– Điểm biến dạng xương sườn: xác định bằng cách sờ dọc theo bờ sườn từ trước ra sau sẽ thấy ở điểm gãy xương bị gồ lên hoặc mất sự liên tục của xương sườn. Chính tại điểm này khi đặt ngón tay vào và bảo bệnh nhân hít thở thì có thể xác định được các triệu chứng di động bất thường và “lạo xạo” xương của đầu xương sườn gãy.

1.2. Mảng sườn di động:

– Mảng sườn di động là một thể gãy xương sườn rất đặc biệt, trong đó có ít nhất 3 sườn liền nhau bị gãy ở cả hai đầu và các điểm gãy ở mỗi đầu đều nằm gần như trên cùng một đường thẳng đi qua các điểm gãy ở phía đầu đó của các sườn gãy cạnh nó.

– Ngoài các triệu chứng của gãy xương sườn, mảng sườn di động còn có các triệu chứng đặc biệt khác là:

– Di động ngược chiều của mảng sườn di động so với cử động hô hấp chung của lồng ngực: khi hít vào, toàn bộ lồng ngực nở ra nhưng mảng sườn di động thì thụt vào. Khi thở ra thì lồng ngực xẹp lại nhưng mảng sườn di động lại lồi ra.

– Toàn trạng bệnh nhân thường biểu hiện suy hô hấp và suy tuần hoàn nặng.

2. Các tổn thương phần mềm thành ngực:

2.1. Vết thương:

Chú ý xác định vị trí, độ rộng, mức độ tổn thương phần mềm thành ngực, độ sâu vết thương. Cần phân biệt rõ:

– Vết thương thành ngực: độ sâu vết thương không tới lá thành màng phổi.

– Vết thương ngực kín: miệng vết thương thường nhỏ. Đường ống vết thương đã được bịt kín lại nhờ tổ chức phần mềm của thành ngực, không có hiện tượng không khí ra vào qua lỗ vết thương. 

– Vết thương ngực hở: tại chỗ vết thương thấy có tiếng “phì phò” và sùi bọt máu theo nhịp thở của bệnh nhân.

– Vết thương ngực van: khi bệnh nhân hít vào thì thấy tiếng rít của không khí vào màng phổi qua lỗ vết thương ở thành ngực (van ngoài) hay nghe thấy trên phổi bằng ống nghe (van trong). Khi thở ra không thấy hiện tượng đó.

– Vết thương tim: vị trí vết thương tương ứng với vùng giải phẫu của tim. Xác định có tam chứng Beck (huyết áp động mạch giảm thấp, huyết áp tĩnh mạch tăng, tiếng tim mờ).

– Vết thương ngực – bụng: vị trí vết thương ở từ mức liên sườn V trở xuống, có các dấu hiệu thủng tạng rỗng hay chảy máu trong ổ bụng. Các tạng trong ổ bụng có thể thoát vị qua vết thương cơ hoành lên lồng ngực (có khi thấy cả dịch dạ dày, dịch tá tràng, mạc nối lớn, quai ruột, dạ dày… ở miệng vết thương thành ngực).

2.2. Tràn khí dưới da:

Thường do khí từ phổi thoát qua khoang màng phổi rồi qua vết rách lá thành để tràn vào tổ chức dưới da thành ngực.

– Vùng ngực bị tràn khí dưới da thường bị biến dạng, phồng to. Có khi tràn khí dưới da lan rộng lên cả vùng cổ, mặt… làm biến dạng nặng các vùng này trông rất đáng sợ, nhưng nó thường không gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.

3. Các tổn thương khoang màng phổi:

3.1. Tràn máu khoang màng phổi:

Máu chảy vào khoang màng phổi có thể từ các mạch máu thành ngực, trung thất hoặc nhu mô phổi bị tổn thương.

– Có hội chứng tràn dịch khoang màng phổi: rung thanh giảm, rì rào phế nang giảm, gõ đục (hội chứng ba giảm); lồng ngực căng, các khe liên sườn giãn rộng.

– Chọc hút thăm dò khoang màng phổi có máu.

3.2. Tràn khí khoang màng phổi:

Khí vào khoang màng phổi thường là từ nhu mô phổi hoặc phế quản bị tổn thương.

– Có hội chứng tràn khí khoang màng phổi: rung thanh giảm, rì rào phế nang giảm, gõ ngực thấy vang trống (tam chứng Galliard). Lồng ngực căng vồng, các khe liên sườn giãn rộng.

– Thường có triệu chứng tràn khí dưới da vùng ngực bị tổn thương.

– Chọc hút khoang màng phổi có khí.

3.2.1. Tràn khí khoang màng phổi hở:

– Có hiện tượng “phì phò” sùi bọt máu ở lỗ vết thương theo nhịp thở do có sự thông thương tự do giữa khoang màng phổi và không khí bên ngoài.

3.2.2. Tràn khí khoang màng phổi van:

Là một thể tràn khí màng phổi đặc biệt, trong đó khí tràn vào khoang màng phổi ở thì thở vào qua vết tổn thương của phế quản nhưng khí đó không thoát ra được trong thì thở ra, dẫn tới tràn khí khoang màng phổi với áp lực tăng dần.

– Có hội chứng tràn khí khoang màng phổi nặng và nhanh.

– Gõ thấy vùng đục của tim và trung thất bị lệch sang bên lành. Nghe phổi có thể thấy tiếng rít của khí đi qua vết tổn thương khí quản trong thì thở vào.

– Bệnh nhân thường bị suy hô hấp và suy tuần hoàn rất nhanh và nặng nếu không cấp cứu kịp thời.

3.3. Tràn máu và khí khoang màng phổi kết hợp:

Biểu hiện kết hợp cả hội chứng tràn khí khoang màng phổi ở phần trên lồng ngực và hội chứng tràn dịch khoang màng phổi ở phần dưới lồng ngực

4. Các tổn thương khác của lồng ngực:

4.1. Tràn khí trung thất:

Xảy ra khi khí thoát ra từ phế quản bị tổn thương tràn vào trung thất, dẫn đến hiện tượng chèn ép các mạch máu và tim trong trung thất và vùng cổ.

– Cổ bệnh nhân bạnh to ra, các tĩnh mạch vùng cổ nổi căng. Mặt bệnh nhân nề, tím.

– Bệnh nhân cũng thường có các triệu chứng suy hô hấp nặng.

4.2. Tràn máu màng ngoài tim:

– Huyết áp động mạch giảm, huyết áp tĩnh mạch tăng, tiếng tim mờ (tam chứng Beck).

– Vùng đục tim to ra; các tĩnh mạch cổ căng phồng; mạch ngoại vi nhanh, nhỏ, khó bắt.

IV – ĐIỀU TRỊ:

1 – Các biện pháp điều trị chung:

– Cấp cứu chống sốc, suy hô hấp và suy tuần hoàn.

– Đảm bảo thông khí đường hô hấp

– Đảm bảo lượng oxy và khí trao đổi cho phổi.

– Phục hồi lượng máu lưu hành: truyền dịch, truyền máu, trợ tim

– Giảm đau: mục đích để cho bệnh nhân dễ thở, dễ ho khạc nhằm lưu thông đường thở

– Giảm đau toàn thân

– Giảm đau tại chỗ: phong bế thần kinh liên sườn của sường bị tổn thương, thường phong bế cả các sườn trên và dưới sườn gãy.

– Xử trí các tổn thương.

– Kháng sinh, nâng đở cơ thể.

2 – Điều trị gãy xương sườn:

2.1 – Điều trị gãy xương sườn nói chung:

– Giảm đau: vì khi gãy xương bệnh nhân rất đau -> ức chế cử động thở của bệnh nhân, bệnh nhân không giám ho khạc -> giảm thông khí phổi, ứ đọng đờm giải.

– Giảm đau toàn thân: . Promedol, Efelagan codein ( không dùng morphin làm ức chế trung tâm hô hấp).

– Phong bế thần kinh liên sườn của sườn gãy: . Novocain 0,25 – 0,5%.

– Cố định xương sườn gãy: bằng băng dính bám một nữa lồng ngực. đối với gãy cung sau thì cho bệnh nhân nằm ngữa có đệm gối ở 2 bên sườn. Ngày nay người ta cho rằng không cần thiết phải cố định xương sườn gãy mà chỉ cần giảm đau tốt cho bệnh nhân.

– Bảo đảm đường hô hấp thông suốt; Khí dung với những bệnh nhân có bệnh COPD.

– Vận động sớm để tránh biến chứng ở phổi.

– Kháng sinh chống bội nhiễm.

2.2 – Điều trị mảng sườn di động:

– Nguyên tắc:

– Hai vấn đề cần làm trước khi xử trí là:

* Duy trì đường thở thông suốt.

* Cố định thành ngực.

– Những vấn đề cần làm tiếp theo:

* Dẫn lưu máu và khí màng phổ.

* Truyền máu để bù lại số lượng máu đã mất.

– Điều chỉnh các rối loạn sinh lý khác do mảng sườn di động gây nên.

* Duy trì đường thở thông suốt:

+ Thông khí đạo để duy trì việc trao đổi khí

+ Cho bệnh nhân thở máy qua nội khi quản giúp trao đổi khí tốt vừa cố định được mảng sườn di động giúp liền xương tốt.

* Cố định thành ngực:

– Cố định tạm thời:

+ Dùng tay áp nhẹ lên thành ngực bệnh nhân và ấn nhẹ vào mảng sườn.

+ Cho bệnh nhân nằm nghiêng sang bên bị thương.

+ Đặt đệm bông dày phủ kín lên bề mặt của mảng sườn rồi băng chặt quanh ngực.

– Cố định thành ngực cơ bản:

– Thở máy ( cố định bên trong bằng khí): Thở máy qua nội khí quản 20 -40 ngày thì mảng sườn được cố địng và bệnh nhân có thể tự thở được. 

– Phẫu thuật kết xương bằng kim loại chỉ áp dụng khi mở thành ngực để xử lý các thương tổn bên trong:

+ Kéo liên tục.

+ Khâu cố định trên khung

+ Khâu cố định các xương sườn gãy vào nhau.

* Điều trị tràn máu khoang màng phổ:

– Mục đích: hút sạch máu trong khoang màng phổi và làm cho phổi nở ra sát thành ngực.

– Chọc hút khoang màng phổi

– Chỉ định: các trường hợp tràn máu khoang màng phổi mức độ nhẹ và vừa.

– Vị trí chọc hút: liên sườn 6 hoặc 7 đường nách giữa hoặc dưới mức dịch khoảng 1 -2 khe liên sườn.

– Dẫn lưu khoang màng phổi tối thiểu:

– Chỉ định:

+ Tràn máu KMP mức độ vừa và nặng.

+ Đã chọc hút KMP nhiều lần không đạt kết quả.

– Vị trí dẫn lưu: dẫn lưu ở liên sườn 6 đường nách giữa, ống dẫn lưu đủ lớn, hút liên tục với áp lực -20 đến -40cmH2O trong vòng 48 – 72h.

– Là biện pháp triệt để hơn chọc hút, giúp phổi nở sát thành ngực nhanh hơn.

– Mổ nội soi lồng ngực:

+ Chỉ định: . Chảy máu màng phổi tái lập nhanh sua khi đã chọc hút hoặc dẫn lưu chảy với tốc độ nhanh 3ml/kg/h trong 3h liền phải mổ hoặc 300ml/3h phải mổ . Toàn trạng bệnh nhân biểu hiện mất máu nặng cấp tính. . Máu màng phổi đông: chọc hút hay dẫn lưu đều không có kết quả.

+ Kỹ thuật: Sử dụng phương pháp nội soi lồng ngực để xử trí cầm máu các mạch máu đang chảy hoặc lấy bỏ cục máu đông.

– Mở xử trí:

+ Chỉ định: Mổ nội soi cầm máu không thành công, không có điều kiên mổ nội soi.

+ Kỹ thuật : mở ngực đường trước bên qua liên sườn 5 dưới gây mê nội khi quản.

* Điều trị tràn khí khoang màng phổi:

– Mục đích: hút sạch khí trong khoang màng phổi và làm cho phổi nở ra sát thành ngực.

– Chọc hút khoang màng phổi:

+ Chỉ định: các trường hợp tràn khí khoang màng phổi mức độ nhẹ và vừa.

+ Vị trí chọc hút: khoang liên sườn 2 đường giữa đòn

– Dẫn lưu khoang màng phổi tối thiểu:

+ Chỉ định: . Tràn khí KMP mức độ vừa và nặng. . Đã chọc hút KMP nhiều lần không đạt kết quả.

+ Vị trí dẫn lưu: dẫn lưu ở liên sườn 2 đường giữa đòn, ống dẫn lưu đủ lớn, hút liên tục với áp lực -20 đến -40cmH2O trong vòng 48 – 72h.

– Là biên pháp triệt để hơn chọc hút, giúp phổi nở sát thành ngực nhanh hơn.

– Mổ nội soi lồng ngực:

+ Chỉ định: . Tràn khí màng phổi tái lập nhanh sua khi đã chọc hút hoặc dẫn lưu.

+ Kỹ thuật: Sử dụng phương pháp nội soi lồng ngực để xử trí khâu vết thương ở nhu mô và phế quản

– Mở xử trí:

– Chỉ định: Mổ nội soi không thành công, không có điều kiên mổ nội soi.

– Kỹ thuật : Mở ngực đường trước bên qua liên sườn 5 dưới gây mê nội khi quản. khâu đóng tổn thương hoặc cắt thùy, phân thùy phổi.

3 – Điều trị các tổn thương khác:

3.1 – Tràn khí dưới da:

– Tràn khí dưới da ít thì không cần điều trị ( cơ thể tự hấp thu).

– Tràn khí dưới da nhiều: thì rạch các đường nhỏ qua da để khí thoát ra.

3.2 – Tràn khí trung thất:

– Nếu có biểu hiện chèn ép thì có thể rạch dẫn lưu khi trên xương ức.

– Nếu có vở rách đường thở thì phải mở khí quản để vừa có tác dụng dẫn lưu khí trung thất vừa hạn chế rò khí ở vị trí tổn thương.

3.3 – Tràn máu màng ngoài tim:

– Nếu có biểu hiện chèn ép tim cấp thì chọc hút dịch màng ngoài tim, đồng thời nghiên cứu khả năng mở ngực cấp cứu để xử trí tổn thương tim.

3.4 – Tràn khí màng phổi van:

Phải cấp cứu tối khẩn cấp: dùng kim lớn chọc vào khoang liên sườn 2 đường giữa đòn, nối kim với van dẫn lưu một chiều ( thường lấy 1 ngón găng tay làm dẫn lưu), nhằm nhanh chóng giảm áp lực khoang màng phổi. Theo dõi và nghiên cứu chỉ định mổ cấp cứu khâu đóng chỗ rách ở phổi phế quản.

3.5 – Rách vỡ cơ hoành gây thoát vị cơ hoành:

Mổ cấp cứu để đưa tạng thoát vị về vị trí ban đầu và đóng lại cơ hoành.

3.6 – Vỡ thực quản:

Mở thông dạ dày nuôi dưỡg và dẫn lưu thực quản.

3.7 – Chấn thương ngực do sóng nổ:

– Chống shock.

– Đảm bảo lưu thông đường thở.

– Thở oxy và nếu cần phải cho hô hấp hỗ trợ.

– Dùng kháng sinh phòng chống nhiễm khuẩn.

 

NGUỒN

ĐẠI HỌC Y KHOA HÀ NỘI

Trang web : www.ykhoaviet.tk

Email : lesangmd@gmail.combachkhoayhoc@gmail.com 

Điện thoại : 0973.910.357

Viện Y học bản địa Việt Nam trân trọng cảm ơn BS Lê Đình Sáng đã chia sẻ nội dung trên!

Doctor SAMAN

[]