Phần bàn luận (discussion) trong một công trình nghiên cứu khoa học y học (NCKH) là phần rất quan trọng, nó có chức năng diễn giải các kết quả nghiên cứu đã trình bày. Chúng ta đã biết rằng phần dẫn nhập hay đặt vấn đề trả lời câu hỏi “Tại sao làm nghiên cứu này?”; phần phương pháp nghiên cứu trả lời câu hỏi “Làm việc đó bằng cách nào?”; phần kết quả nghiên cứu là nhằm trả lời câu hỏi “Đã phát hiện những gì”; còn phần bàn luận tập trung vào trả lời cho được câu hỏi “Những phát hiện đó có ý nghĩa gì”?

Nhìn chung, trong công trình NCKH, phần bàn luận là phần khó viết nhất. Ngay cả nhiều giáo sư có kinh nghiệm cũng có khi cảm thấy khó khăn khi viết phần này (thường gọi là chương 4). Một trong các lý do là phần bàn luận không có một cấu trúc cụ thể nào, hơn nữa viết phần này đòi hỏi người viết phải có kiến thức rộng, hiểu biết nhiều, đọc nhiều về chủ đề nghiên cứu đồng thời có khả năng so sánh, khái quát, tổng hợp các kiến thức của mình.

1. Cấu trúc của phần bàn luận

Hiện nay không có quy định cụ thể về cấu trúc của viết phần bàn luận. Nhìn chung các nghiên cứu y học thường đi theo một cấu trúc như sau:

1.1.Độ dài: Thường thì phần bàn luận có độ dài bằng hay tương đương với phần tổng quan (chương 1) và phần kết quả nghiên cứu (chương 3). Nói cách khác, ba phần này có độ dài tương đương nhau. Tùy thuộc loại nghiên cứu mà độ dài của bàn luận (tính theo trang đánh máy) sẽ như bảng 1 sau:

Bảng 1. Độ dài tương đối của phần bàn luận, theo loại nghiên cứu

Loại nghiên cứu

Độ dài ước tính (theo trang đánh máy quy định [7])

Bài báo khoa học.

1,5 – 2,5

Khóa luận tốt nghiệp đại học, chuyên đề khoa học, đề tài cấp cơ sở.

4 -5

Luận văn cao học

7-10

Luận văn chuyên khoa cấp I

5-8

Luận văn chuyên khoa cấp II, đề tài cấp bộ, cấp tỉnh/ thành phố

10-15

Luận án tiến sỹ Y học, đề tài cấp quốc gia.

20-35

Thông thường phần bàn luận được viết riêng (thành chương 4) trong một công trình nghiên cứu khoa học Y học, tuy nhiên ở một số bài báo khoa học, phần này được viết lồng vào kết quả nghiên cứu (KQNC). Cách viết này có ưu điểm là rút ngắn được chiều dài của bài báo khoa học, nhưng lại có nhược điểm là khó tổng hợp, bao quát, khái quát và suy luận (một công việc rất quan trọng của bàn luận) vì có những KQNC chưa được trình bày hay trình bày sau. Ví dụ, tại một bài báo về nghiên cứu giá trị của xung cộng hưởng từ, tác giả trình bày số liệu về sự bắt thuốc trên DCE-MR (xung cộng hưởng từ động học sau tiêm thuốc đối quang) của tổ chức u ác tính và lành tính. Sau khi viết nhận xét cho bảng số liệu này, tác giả đã đưa ra bàn luận luôn là “Từ tỉ lệ loại biểu đồ bắt thuốc như trên có thể kết luận là u ác tính bắt thuốc mạnh hơn so với u lành tính…. Ngược lại, tổ chức u lành tính bắt thuốc kém hơn… Điều này được lý giải bởi sự tăng sinh tân mạch trong tổ chức ung thư… Các mạch máu tăng sinh có đặc điểm cấu trúc thành mạch không hoàn chỉnh, thành mạch yếu, tăng tính thấm thành mạch, càng làm tăng sự bắt thuốc của tổ chức ung thư…” Bài báo này không có phần bàn luận riêng [8].

1.2. Cấu trúc các mục, tiểu mục: Cũng không có quy định cụ thể, thông thường theo trình tự như sau:

          - Bàn luận chung về đối tượng và phương pháp nghiên cứu, tức bàn luận về ưu nhược điểm các khía cạnh khác nhau của công trình nghiên cứu: Địa điểm, đối tượng nghiên cứu, cỡ mẫu, cách lấy mẫu, phương pháp thu thập thông tin, công cụ thu thập thông tin, cách khống chế sai số…Chỉ rõ các tác động tới KQNC như thế nào. Cũng có thể lồng ghép việc bàn luận chung này vào bàn luận theo KQNC của từng mục tiêu một.

          - Bàn luận theo KQNC của mục tiêu 1.

          - Bàn luận theo KQNC của mục tiêu 2.

Nhiều tác giả, khi bàn luận theo từng mục tiêu cụ thể, lại chia thành các tiểu mục nhỏ hơn, nhưng đa số các tác giả lại làm ngược lại, tức không chia các mục nhỏ mà bàn luận hết KQNC này sang KQNC khác, miễn sao tạo ra sự lô gic, dẫn dắt tốt là được.

2. Nội dung của bàn luận trong nghiên cứu y học

Tuy không có qui định cụ thể, nhưng theo kinh nghiệm của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho thấy phần bàn luận thường viết theo các điểm sau:

             - Trong đoạn văn đầu tiên, nêu tóm lược giả thuyết, mục tiêu hay phát hiện chính;

             - Tiếp theo là so sánh những KQNC của nghiên cứu này này với các nghiên cứu trước; cũng có thể so sánh KQNC giữa các mục tiêu khác nhau trong cùng nghiên cứu hay nêu mối quan hệ giữa chúng.

             - Giải thích KQNC;

   - Đề xuất mô hình mới hay giả thuyết mới;

             - Khái quát hóa và nêu ý nghĩa của KQNC;

             - Có thể nêu qua những ưu điểm và khuyết điểm của công trình nghiên cứu; và

             - Sau cùng là đưa ra kết luận sao cho người đọc có thể lĩnh hội được một cách dễ dàng. Cũng có thể nêu lên một kiến nghị/ đề xuất gì đó dựa trên KQNC hay các lý luận trên đây [1].

Bây giờ ta đi sâu từng điểm vừa đề cập.

1. Nêu tóm lược giả thuyết, mục tiêu hay phát hiện chính của KQNC.

Đây là việc làm cần thiết, giúp cho người đọc nhớ lại các KQNC. Thông thường một công trình NCKH có nhiều KQNC khác nhau, hơn nữa có một số công trình lại dài, tới hàng trăm hay vài trăm trang, nên cần thiết nhắc lại KQNC chính cho bàn luận. Chú ý, chọn lọc kĩ KQNC cần nêu lại, sau khi nêu xong phải chỉ rõ nguồn dẫn (số liệu, thông tin đó được lấy từ bảng số liệu hay biểu đồ nào của phần KQNC…). Điểm nữa là, mọi thông tin hay số liệu được viết trong chương KQNC đều phải được nhắc lại và bàn luận tại đây, nếu một số liệu hay thông tin nào được cho rằng không cần bàn luận tại chương 3 này thì nó là thừa, cần phải loại ra khỏi chương KQNC. Như vậy, nhờ chương bàn luận này, NCV có thể điều chỉnh lại chương KQNC cho lô gic và phù hợp.

Cách nêu KQNC tại đây cũng phải thật khéo, không sao nguyên văn của chương KQNC mà cần trình bày dưới dạng khác (cấu trúc câu hay hành văn dạng khác), giúp cho người đọc không cảm thấy lặp lại và cảm thấy luôn mới trong đề tài.

Ví dụ, “…chuyên khoa nội có tỉ lệ người bệnh mua thuốc ngoài bảo hiểm y tế thấp nhất (36,3% - xem biểu đồ 3.5)” [5]. Ta thấy tác giả nhắc lại KQNC rất ngắn gọn và trích nguồn số liệu rất rõ ràng.

2. So sánh với nghiên cứu khác, giải thích sự khác biệt hay tương đồng và đề xuất giả thuyết mới nếu có thể.

Nếu có thể, NCV hãy so sánh KQNC vừa nêu lại với KQNC của nghiên cứu khác tương đồng. Từ đó tìm sự khác biệt hay sự tương đồng giữa hai KQNC. Tiếp theo phải giải thích một cách thỏa đáng sự khác biệt hay sự tương đồng đó thông qua các lý do về kinh tế, xã hội, tự nhiên hay thông qua phương pháp nghiên cứu: Chọn đối tượng, cỡ mẫu, cách lấy mẫu, phương pháp thu thập thông tin; hay các lý do về dân số học: Tuổi, giới, học vấn, nghề nghiệp… Nếu không tìm thấy bất cứ lý do nào để giải thích cho sự khác biệt hay tương đồng thì, đành phải thú thật là: Không biết [1]. Ta xem ví dụ sau: “Như vậy, cao lỏng thân thống trục ứ thang (TTTUT) có phạm vi an toàn rộng: Liều gây độc cấp ở chuột nhắt cao (389,57 g/kg) so  với liều ứng dụng trên lâm sàng (2,32 g/kg), tức là LD50 gấp 13,57 lần liều ứng dụng trên lâm sàng…”. Như vậy, tác giả đã so sánh KQNC của mình với “liều ứng dụng trên lâm sàng (2,32 g/kg)” đã được nghiên cứu, đồng thời tác giả đưa ra bàn luận là “TTTUT có phạm vi an toàn rộng”, tác giả cũng giải thích kết quả này là do nó là “bài thuốc cổ phương bao gồm 12 vị thuốc, các vị thuốc với liều sử dụng trên lâm sàng đều khá an toàn…” [2].

Như trên vừa nêu, một cách giải thích hay là dựa vào đối tượng và phương pháp nghiên cứu. Ví dụ, tác giả Ngô Thùy Dương viết “với kĩ năng giao tiếp (KNGT) không lời, tỷ lệ được đánh giá thực hiện chưa tốt là gần 1/5 người bệnh, tương ứng với 18,37%. 14,52% người bệnh đánh giá KNGT của cán bộ kỹ thuật viên chưa tốt”. Sau đó tác giả bàn luận về giá trị của nghiên cứu như sau: “Tuy đây chỉ là một nghiên cứu cắt ngang nên chưa thể suy rộng ra được quần thể, tuy nhiên, 14,52% cán bộ này được đánh giá KNGT chưa tốt thì cũng là một vấn đề nên được Ban lãnh đạo bệnh viện quan tâm giải quyết…” [9].

Trong nghiên cứu thực nghiệm, có thể so sánh KQNC giữa hai lô: Thực nghiệm và chứng. Ví dụ, các tác giả đã so sánh: “Trên hình ảnh vi thể, cả hai lô chuột uống viên nén bao phim GT1 liều 11,16 g/kg/ngày và liều 33,48 g/kg/ngày, hình ảnh tế vào gan và tế bào thận đều bình thường…” [3]. Ở đây tác giả đã sánh lô thực nghiệm với lô thường (không có thực nghiệm).

Trong một số nghiên cứu can thiệp, tác giả có thể so sánh trước sau và đặc biệt so sánh với “chỉ số mong đợi” được ấn định trong công thức tính cỡ mẫu can thiệp. Ví dụ, “Số lần khám trung bình (LKTB) cho một thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trong 1 năm (biểu đồ 3.1) tại bệnh viện huyện (BVH) giảm rất mạnh tại Sóc Sơn trong thời gian thí điểm (0,47/năm 2001) so với trước thí điểm (2,19/ năm 1999)…Việc giảm LKTB/thẻ BHYT/năm 2001 so với năm 1999 là tình trạng chung của bốn BVH, song có sự giảm mạnh hơn tại BVH Sóc Sơn. Chỉ số hiệu quả: 50,2% vượt xa so với kết quả mong đợi cải tiến được 25% nêu tại mục 2.2.2.5…” [4].

Với KQNC định tính: Ta cũng tiến hành như trên, tức nhắc lại ý chính của KQNC sau đó so sánh và đưa ra lời bàn. Ví dụ, “Nghiên cứu đã chỉ ra một số khó khăn lớn của cán bộ y tế như: Người bệnh lộn xộn ở khâu đón tiếp; nhân viên phòng quản lý chất lượng chưa làm tốt vai trò hướng dẫn người bệnh; phân mềm đăng kí khám, quét thẻ nhiều lúc hay bị lỗi…(xem mục 3.3.2)”. Sau đó tác giả lấy luôn KQNC khác của chính nghiên cứu này để giải thích cho KQNC về khó khăn trên đây: “…do ý thức người bệnh hạn chế; thêm vào đó nhân viên phòng Quản lý chất lượng chưa nắm bắt được quy trình khám…”[5]. 

3. Hình thành giả thuyết mới cho nghiên cứu

Từ KQNC của mình, sau khi so sánh với KQNC khác và bàn luận, NCV có thể đưa ra một giả thuyết mới nào đó làm nền tảng cho một nghiên cứu khác trong thời gian tới. Nhờ vậy mà các sáng kiến, các ý tưởng nghiên cứu mới tiếp tục được hình thành. Đây là một giá trị đặc biệt lớn của một công trình NCKH. Ở mức độ khiêm tốn hơn, NCV chỉ ra những việc phải làm, những cải tiến mới giúp cho vấn đề được nghiên cứu thêm phong phú và hoàn thiện. Ví dụ, trong một nghiên cứu về nhu cầu của người dân về sơ, cấp cứu tại hộ gia đình, tác giả đã phát hiện: “Tỉ lệ mức nhu cầu 50% về các sơ cứu hay gặp tại nhà (85,3% - 86,4%, bảng 3.16)”, tác giả bàn luận “Song cái đặc biệt ở đây là các bệnh cấp cứu nguy hiểm đến tính mạng con người hang ngày, hàng giờ. Như đã phân tích, một cấp cứu tại nhà mà không được sơ cứu hay sơ cứu không phù hợp thì người bệnh có thể bị biến chứng nặng, thậm chí tử vong trước khi tới cơ sở y tế. Đặc biệt tại vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa… ”. Từ bàn luận này, tác giả đề xuất: “…ngoài công tác truyền thông để người dân có kiến thức về sơ cứu ban đầu, cần truyền thông cho họ chuẩn bị các phương tiện sơ cứu như băng, gạc, cáng, thuốc… sẵn có và thường trực ngay trong gia đình 24/24 giờ…”[6].

Như đã trình bày về nghiên cứu “viên nén bao phim GT1” trên đây. Sau khi đưa  KQNC và bàn luận, tác giả đã hình thành một giả thuyết mới là: “…viên nén bao phim GT1 khi dùng đường uống trên chuột cống liên tục trong 60 ngày không làm thay đổi hình ảnh mô bệnh học gan và phổi…”[3].

Những đề xuất mới của các bàn luận này sẽ được NCV tổng kết lại và đưa vào phần “kiến nghị” phía cuối của công trình nghiên cứu. Với cách làm này, luôn đảm bảo được tính lô gic của các phần với nhau, nhất là các kiến nghị của công trình nghiên cứu luôn xuất phát từ các KQNC và bàn luận.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Văn Tuấn, Cách viết một bài báo khoa học (phần 5) bàn luận, Sinh vật rừng Việt Nam, https://www.vncreatures.net/all_news/bc_kh_5.php, cập nhật 17-2-2020.
  2. Trần Thái Hà (2012), Nghiên cứu bài thuốc “Thân thống trục ứ thang”trên thực nghiệm và tác dụng điều trị hội chứng thắt lương hông do thoát vị đĩa đệm, Luận án Tiến sĩ Y học chuyên ngành Y học cổ truyền, mã số 62.72.60.01, Trường Đại học Y Hà Nội, Thư viện Quốc gia Việt Nam,  http://luanan.nlv.gov.vn/luanan?a=d&d=TTcFlGvGTmfy2012&e=-------vi-20--1--img-txIN------- , cập nhật 13-2-2020.
  3. Trương Thị Huyền, Phạm Bá Tuyến và cs (2019) Nghiên cứu ảnh hưởng của viên nén bao phim GT1 lên chức năng gan, thận chuột cống thực nghiệm, Tạp chí Y học thực hành ISSN 1958-1663, số 4(1094), 2019 của Bộ Y tế, trang 31.
  4. Vũ Khắc Lương (2003) “Chương 4. Bàn luận”, Nghiên cứu cải tiến tổ chức và quản lý khám chữa bệnh ngoại trú tuyến y tế cơ sở ngoại thành Hà Nội, Luận án Tiến sĩ Y học, Trường Đại học Y Hà Nội, trang 116.
  5. Trịnh Thu Trang (2019) “Chương 4. Bàn luận”, Quy trình thủ thục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại bệnh viện đa khoa nông nghiệp Hà Nội, đầu năm 2019, Khóa luận tốt nghiệp cử nhân Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội, trang 56.
  6. Phạm Nhật An, Vũ Khắc Lương và cs (2009) Đánh giá thực trạng và nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại hộ gia đình, đề xuất phát triển mạng lưới y học gia đình, Đề tài cấp Bộ, Trường đại học Y Hà Nội, trang 92.
  7. ND2 () Cách trình bày chuẩn luận án, đồ án, luận văn trên word,  http://nguaduongdai.blogspot.com/2014/11/cach-trinh-bay-chuan-luan-o-luan-van.html, cập nhật 05-3-2020.
  8. Đoàn Tiến Lưu, Bùi Văn Lệnh, Vũ Bá Quyết (2019) Nghiên cứu giá trị của xung cộng hưởng từ động học sau tiêm thuốc đối quang (DCE-MR) trong chẩn đoán u buồng trứng ác tính với u buồng trứng lành tính, Tạp chí Y học thực hành, ISSN 1859- 1663, số 3 (1092), 2019, trang 25.
  9. Ngô Thuy Dương (2017),  Kỹ năng giao tiếp của cán bộ y tế qua ý kiến người bệnh ngoại trú tại Bệnh viện Bưu Điện năm 2017 và một số yếu tố liên quan, Luận văn cao học, Trường Đại học Y Hà Nội, trang 57.

Doctor SAMAN
Vũ Khắc Lương
Phó giáo sư, Tiến sĩ Y học, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội

[]