Các thày thuốc nhận thấy rằng mỗi khi trời trở lạnh, nhất là chuyển từ mùa thu sang mùa đông thì các bệnh về xương khớp thường xuất hiện nhiều và hay tái phát ở những bệnh nhân đã bị bệnh này. Người bệnh thường có cảm giác bị tê buốt, đau nhức, xưng nóng hoặc có thể bị cứng khớp...ở một khớp hay nhiều khớp, đặc biệt về đêm.

đau xương khớp

Ở những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bị thiếu quần áo mặc ấm, thiếu khăn quàng cổ, chăn, đệm, phải sống trong “nhà tranh vách nát”, không kín gió, ăn uống kham khổ... thì bệnh đau nhức xương khớp lại có “dịp” để “hành hạ” nhiều hơn.

Đau nhức xương khớp giai đoạn đầu có thể là đau nhức ở mức độ rối loạn cơ năng, chỉ ở mức độ nhẹ, ở những giai đoạn sau có thể sẽ gây các tổn thương thực thể ở xương khớp, làm cho xương khớp bị biến đổi về mặt cấu trúc bình thường của nó, gặp trong các bệnh như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp tự miễn, thoái hóa xương khớp như xương khớp bị vôi hóa, có thể mọc ra các gai xương, cầu xương v.v

Một điều cần lưu ý là khi đã bị đau nhức xương khớp, thường người bệnh rất ngại và sợ cử động vì mỗi lần vận động sẽ làm cho đau tăng lên, dẫn đến hậu quả các khớp trở nên cứng dần, lâu ngày sẽ cứng khớp.

Các nhà khoa học giải thích lý do hay đau xương khớp về mùa lạnh và thường hay gặp ở người đã có tuổi, là do sức đề kháng của cơ thể giảm sút, khi gặp trời lạnh, lại kèm theo mưa nhiều tạo nên “cái lạnh thấu xương”... yếu tố bất lợi cho sức khỏe ấy sẽ thâm nhập vào cơ thể con người qua đường da, qua các lỗ chân lông, kết quả làm cho các mạch máu vùng da đó co lại, máu đến các xương khớp sẽ bị hạn chế hoặc rất ít, gây hiện tượng thiếu máu để nuôi dưỡng xương khớp, các màng hoạt dịch và sụn khớp bị kích thích nên gây đau xương khớp.

Các nghiên cứu khoa học cũng thấy rằng ở một số người bị loãng xương (hay gặp ở người có tuổi), phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, những người béo phì, thừa cân... có thể bị đau xương khớp, ở những người béo phì, thừa cân xương khớp dễ bị những tác động xấu do xương khớp của họ bị tăng sức chịu đựng, vì trọng lượng cơ thể nặng hơn so với những người bình thường, các hiện tượng này nếu không được sớm khắc phục sẽ dẫn đến khớp bị thoái hóa, thường ở các khớp bị chịu lực nhiều như cột sống thắt lưng, khớp gối, khớp cổ chân...

Vì vậy để phòng đau nhức xương khớp về mùa lạnh, chúng ta cần phấn đấu để nâng cao chất lượng cuộc sống, giữ ấm cho cơ thể, tránh gió lùa vào nhà, ăn uống đủ cả về chất và lượng, tăng cường vận động, thể dục thể thao... tùy theo khả năng cho phép bản thân mỗi người, để tăng sức đề kháng, tránh béo phì và thừa cân, cần bổ xung Can xi, Oestrogen (nội tiết tố nữ) ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh một cách hợp lý... để phòng và chống bệnh xương khớp nói riêng và bệnh tật nói chung.

Khi bị đau nhức xương khớp mức độ nhẹ chúng ta có thể sử dung các phương pháp không dùng thuốc như  xoa bóp, xoa bóp bằng dầu gió, cao sao vàng, dầu xoa bóp Saman...hoặc bấm huyệt, châm cứu, chạy điện v.v

Nếu ở mức độ năng hơn chúng ta nên đi khám thày thuốc để được tư vấn và điều trị, không nên tự ý điều trị nếu thiếu kiến thức về y học, nhất là không nên tự mua các thuốc như Corticoid (Prednisolon, Dexamethason...), hoặc loại không Steroid (Diclofenac, Voltaren, Mobic...) vì các thuốc này có nhiều tác dụng không mong muốn có hại cho sức khỏe, có khi còn nguy hiểm đến cả tính mạng. Trên thị trường hiện nay cũng có rất nhiều loại thuốc Đông y, Nam y... chữa đau nhức xương khớp, nhưng theo chúng tôi các bệnh nhân cũng nên đến các cơ sở đã được các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước cho phép và có uy tín để chữa trị.

 

Doctor SAMAN

Ngô Quang Trúc

Tiến sỹ bác sỹ cao cấp chuyên ngành Tâm Thần Kinh

 

 

 

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/12.2017\/inflammation.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/12.2017\/inflammation.jpg","subHtml":"\u0111au x\u01b0\u01a1ng kh\u1edbp"}]