PHẦN 2. VIẾT TÊN CỦA ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Y HỌC

Xem PHẦN 1. CHỌN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU ở đây

1. Viết tên đề tài nghiên cứu khoa học

Sau khi đã viết được tên của vấn đề nghiên cứu (VĐNC) thì việc tiếp theo là viết tên của đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH). Đương nhiên khi đã viết tên vấn đề nghiên cứu tuân thủ đủ các tiêu chí thì giờ đây viết tên đề tài trở nên dễ dàng hơn. Tiêu chí chung để viết tên đề tài NCKH:

  1. Rõ VĐNC;
  2. Bao phủ được các mục tiêu nghiên cứu (MT);
  3. Số từ: Không quá nhiều (không quá 32) và một số yêu cầu khác.

1.1. Vấn đề nghiên cứu

Như "Phần 1. Chọn vấn đề nghiên cứu" đã trình bày, tên VĐNC cần tuân thủ các tiêu chí:

  • Rõ vấn đề tồn tại;
  • Có độ lớn của vấn đề;
  • Rõ thời gian vấn đề xảy ra;
  • Rõ địa điểm xảy ra;
  • Rõ đối tượng bị tác động (nếu có);
  • Có tính trọn vẹn;
  • Có phạm vi giới hạn phù hợp

Tên đề tài NCKH cũng tuân thủ các tiêu chí này. Có thể có những tên đề tài không theo đủ các tiêu chí trên mà có những tiêu chỉ “ẩn” như đã nêu trong Phần 1.

1.2. Tên đề tài phải bao phủ được các mục tiêu nghiên cứu

Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học thì tên đề tài NCKH cần phải bao phủ hết các mục tiêu/nội dung nghiên cứu, có như vậy tên đề tài mới lô-gic với MT/nội dung và thể hiện được tính “khoa học” của cách viết cũng như tư duy của người viết. Điều này cũng thể hiện được trình độ của người viết. Như vậy, khi viết xong tên đề tài NCKH thì coi như các MT nghiên cứu (và cũng là nội dung chính) của đề tài đã được định đoạt.

Ví dụ: Tên đề tài: “Tác động của chất MK trong điều trị bệnh Kaler tủy xương” (Lấy lại ví dụ của bài trước). Tên này đã hàm ý chỉ ra các mục tiêu/nội dung sau đây: a) Mô tả tác động lâm sàng (tác động hay triệu chứng lầm sàng tích cực và cả tiêu cực) của chất MK, và b) Mô tả tác động cận lâm sàng của chất MK lên cơ thể người (Tức các thay đổi về xét nghiệm).

Nhưng nếu tên đề tài là: “Tác động của chất MK trong điều trị bệnh Kaler tủy xương và các yếu tố ảnh hưởng” thì ngoài các mục tiêu như trên đề cập, thêm một mục tiêu/ nội dung nữa là: Mô tả các yếu tố ảnh hưởng (cả tích cực và tiêu cực) lên các tác động này (Yếu tố ảnh hưởng đó có thể là nhóm tuổi, giới của người bệnh, thể bệnh, thời gian sử dụng chất MK, liều lượng chất MK, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, hóa chất nào đó…).

1.3. Tên đề tài NCKH không quá dài

Thông thường tên đề tài NCKH chỉ gọn trong một câu (nên không có dấu chấm trong tên đề tài). Nhiều đơn vị như Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y tế công cộng, Bộ Y tế… thường có quy định (không thành văn): Tên đề tài NCKH không nhiều quá 32 từ. Một số nơi lại quy khuyến cáo tên đề tài NCKH không quá 20 từ. Quy định này bắt buộc người viết đề tài phải chọn lọc từ ngữ, chọn lọc cách trình bày các ý sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, mang tính khoa học.

Sau đây là tên của hai đề tài nghiên cứu mẫu, một trên cộng đồng và một tại cơ sở y tế (Bảng 1).

Bảng 1. Tên đề tài nghiên cứu khoa học

Tiêu chí

Huyện M

Công ty Dược X

Tên đề tài đầy đủ.

Tỉ lệ trẻ <5 tuổi tại huyện M bị viêm đường hô hấp cấp tính năm 2019 và các yếu tố ảnh hưởng.

Tác động của chất MK trong điều trị bệnh Kaler tủy xương và các yếu tố ảnh hưởng.

Tên VĐNC

Tỉ lệ trẻ <5 tuổi tại huyện M bị viêm đường hô hấp cấp tính là 25% năm 2019.

Tác động của chất MK trong điều trị bệnh Kaler tủy xương.

Các mục tiêu nghiên cứu dự kiến sẽ có

1)Mô tả tỉ lệ hiện mắc, mới mắc viêm đường hô hấp cấp tính theo các yếu tố tự nhiên và xã hội ở trẻ < 5 tuổi.

2) Tìm các yếu tố ảnh hưởng tới các tỉ lệ trên (cả yếu tố tác động dương tính và âm tính).

1) Mô tả tác động lâm sàng của chất MK,

2) Mô tả tác động cận lâm sàng của chất MK lên cơ thể người (Tức các thay đổi về xét nghiệm).

3) Tìm các yếu tố ảnh hưởng (cả tích cực và tiêu cực) lên các tác động lâm sàng và cận lâm sàng.

Số từ: < 32

25 từ.

18 từ.

Ngoài ra, tên đề tài phải có sức lôi cuốn người đọc ngay từ lúc ban đầu. Muốn làm được điều này, người viết hay nghiên cứu viên (NCV) phải thao tác tổng hợp nhiều yếu tố cấu thành:

- Sự am hiểu độc giả của các NCV, biết được cái “gu” hay sở trường hay nhu cầu của độc giả, nắm chắc được sở thích của độc giả, đáp ứng đúng được sở thích, nhu cầu của độc giả.

- Vấn đề nghiên cứu có tính mới (Phụ thuộc vào bước chọn vấn đề nghiên cứu ngay từ lúc ban đầu).

- Khả năng chọn lọc từ ngữ, đặt câu… của NCV, sao cho vừa lôi cuốn và vừa dễ hiểu.

1.4. Chú ý khi viết tên đề tài nghiên cứu khoa học:

- Không dùng các động từ để mở đầu cho tên đề tài nghiên cứu, như: “Nghiên cứu”, “thăm dò”… Tuy nhiên cũng có tác giả dùng từ “đánh giá” để viết tên một số đề tài nghiên cứu, tuy nhiên không nên lạm dụng và nên rất hạn chế.

- Không nên dùng từ có tính chất bất định như: “Một số vấn đề về…”,  “Thử bàn về…”

- Không lạm dụng từ chỉ mục đích: “nhằm”; “để” ; “góp phần”…

- Không lạm dụng mỹ từ hay cách nói bóng bẩy; tiêu chí dùng từ là đơn giản, rõ ràng, ngắn gọn dễ hiểu, đơn nghĩa. Xem xét kĩ, những từ hay cụm từ nào “thừa”, có thể bỏ được thì nên bỏ.

- Không thể hiện tình cảm, thiên kiến, quan điểm, phải đảm bảo tính khách quan.

- Không đặt tên đề tài dưới dạng câu hỏi, câu phủ định hay khẳng định.

- Không viết tựa đề theo kiểu phát biểu (statement) vì trong khoa học không có gì bất biến. Nhiều sự kiện đúng hôm nay nhưng mai có thể không còn đúng.

- Không viết tắt trong tên đề tài nghiên cứu khoa học [1].

- Không nên sử dụng những thuật ngữ có nhiều lớp nghĩa trong tên của đề tài nghiên cứu [2].

- Tên đề tài mang tính khái quát cao cho toàn bộ nội dung của nghiên cứu (chính vì thế tên này phải bao trùm tất cả các mục tiêu nghiên cứu). Tuy nhiên không quá chi tiết. Ví dụ, đề tài được triển khai tại khoa nội và khoa y học cổ truyền của bệnh viện M thì tên đề tài chỉ cần viết “tại Bệnh viện M”, không cần viết chi ly, cụ thể: “tại khoa Nội và khoa Y học cổ truyền của Bệnh viện M”. Nhìn chung, viết tên đề tài, mục tiêu, nội dung nghiên cứu… cần tuân thủ nguyên tắc sau: Giảm tính khái quát, tăng dần tính chất chi tiết, rõ ràng và cụ thể (hình 1).

Hình 1: Mức độ chi tiết hóa trong viết báo cáo NCKH

Tên đề tài cần được chỉnh sửa nhiều lần (nhiều khi viết xong đề tài nghiên cứu rồi quay lại xem xét và chỉnh sửa lại tên đề tài)[3], có như vậy người viết mới đảm bảo có tên đề tài NCKH phù hợp, lô-gic và tốt nhất.

Sau đây là ví dụ tên một đề tài mà cách dùng từ chưa ổn, cần “gọt giũa” cho ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu. Ví dụ 1: "Sử dụng kỹ thuật kích hoạt nơtron để khảo sát sự phân bố của nguyên tố đất hiếm trong một số khoáng vật Việt Nam" [4]. Ta có thể bỏ cụm từ “sử dụng” mà vẫn rõ nghĩa, như vậy cụm từ này thừa. Thay chữ “để” bằng chữ “trong” vì không nên dùng từ chỉ mục đích. Dãy từ “trong một số khoáng vật” cũng không cần, sẽ cụ thể ý này trong mục tiêu hay phương pháp nghiên cứu. Qua phân tích trên, ta có thể viết lại tên nghiên cứu này như sau: Kỹ thuật kích hoạt nơtron trong khảo sát sự phân bố của nguyên tố đất hiếm tại Việt Nam. Đọc tên mới này ta thấy đơn giản hơn, dễ hiểu hơn, sáng sủa và rõ ràng hơn nhiều.

Ví dụ 2, trên trang web của Viện Y học bản địa Việt Nam có giới thiệu một số đề tài khoa học đã hoàn thành trong thời gian vừa qua. Sau đây xin trích dẫn một tên đề tài để xem xét: “Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả làm tan cục máu đông của người ngoài cơ thể và hiệu quả điều trị với bệnh nhân đột quỵ não của bài thuốc An cung việt Nam, năm 2014” [5]. Viết như vậy cũng chấp nhận được, nhưng nếu chỉnh sửa một chút thì rõ ràng hơn, ngắn gọn hơn và dễ hiểu hơn: Bỏ cụm từ “Nghiên cứu, đánh giá” vì không có các cụm từ này, người đọc vẫn hiểu được đây là nghiên cứu đánh giá. Đảo cụm từ “bài thuốc An Cung Việt Nam” lên trên đầu của tên đề tài nghiên cứu. Bỏ chữ “bệnh nhân” và thay vào đó là chữ “người bệnh” vì cụm từ “bệnh nhân” chỉ là từ “dân giã” không phải ngôn từ chính thức do Nhà nước Việt Nam quy định cho các phát ngôn chính thức, văn bản pháp quy và các tài liệu khoa học. Hơn nữa, trong trường hợp này cũng nên bỏ cụm từ “người bệnh”, vì nếu có bỏ thì người đọc vẫn hiểu đấy là người bệnh điều trị đột quỵ não. Cụm chữ “việt Nam” phải viết hoa cả hai chữ vì là tên riêng. Sau khi chỉnh sửa, ta có tên mới: Hiệu quả của bài thuốc An cung Việt Nam trong tan cục máu đông của người ngoài cơ thể và điều trị đột quỵ não, năm 2014. Tên mới này đảm bảo đủ ý của tên cũ, nhưng rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu hơn.

Tài liệu tham khảo

1. Cộng đồng sinh viên kinh tế làm nghiên cứu khoa học, Lưu ý khi đặt tên đề tài nghiên cứu, https://rces.info/sinh-vien-kinh-te-nckh/luu-y-khi-dat-ten-de-tai-nghien-cuu/, cập nhật 12-8-2019.

2. Phạm Phúc Vĩnh (2015) Chọn và đặt tên đề tài, Sổ Tay Nghiên cứu Khoa học Sinh viên, http://sotaynghiencuusinhvien.blogspot.com/2015/03/chon-va-at-ten-e-tai.html, cập nhật: 14/8/2019.

3. Trần Thế Trung (2018) Cách viết một đề cương nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.

4. Vũ Cao Đàm (2000) “Các bước triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học”, Giáo trình điện tử - Phương pháp nghiên cứu tài liệu trong nghiên cứu khoa học, Louis Pasteur Strasbourg. http://www.khoahocviet.info/meresci/vi/meresci01a0.html, cập nhật 14-8-2019.

5. Y Học Bản Địa, Các đề tài đã, đang chuyển giao khoa học công nghệ, https://yhocbandia.vn/ho-so-nang-luc-to-hop-y-hoc-ban-dia-viet-nam, cập nhật 15-8-2019.

6. RCES (2016) Đặt tên cho đề tài nghiên cứu khoa học- Chuyện chưa bao giờ kể, International Banking Club - IBC BUH, Facebook, https://www.facebook.com/IBC.BUH/posts/1300344866694319/ cập nhật ngày 15-8-2019.

Doctor SAMAN
Vũ Khắc Lương
Phó giáo sư, Tiến sĩ Y học, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/10.2019\/2019-10-23_082448.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/10.2019\/2019-10-23_082448.jpg","subHtml":""}]