Làm sạch lòng mạch vành, động mạch cảnh và các mạch máu khác bằng thảo dược qua thí nghiệm, thực nghiệm, thử nghiệm lâm sàng trong cơ thể để dự phòng bệnh mạch vành, đột quỵ tim não, kéo dài tuổi thọ trung bình cho con người... là công trình khoa học được tiến hành từ năm 2013 của 2 tác giả Hoàng Sầm và Hứa Văn Thao đã báo cáo khoa học; Chống nhận diện của TCD4 và TCD8 với tế bào β tụy hoặc chuyển dạng tế bào α trọng đảo tụy thành tế bào β tụy phục vụ cho chống bệnh tiểu đường tuýp II của tác giả Hoàng Sầm... là những ví dụ trong hàng chục công trình công trình nghiên cứu của Viện Y học bản địa Việt Nam.
Nhu cầu sử dụng Y học cổ truyền để dự phòng và điều trị bệnh trong cộng đồng có xu hướng ngày càng tăng, theo Tổ chức Y tế thế giới WHO (2004) dự báo cho đến cuối thế kỷ thứ 21 y học cổ truyền sẽ giữ vai trò chủ yếu trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho hàng tỷ người. Mỗi một dân tộc trên thế giới đều có nền y học cổ truyền riêng của mình, theo WHO y học cổ truyền là những nền y học có lịch sử lâu đời, là tổng hợp các kiến thức, kĩ năng thực hành dựa trên cơ sở niềm tin, kinh nghiệm, kết quả và lí luận của các nền văn hóa khác nhau. Y học bản địa Việt Nam ra đời trong bối cảnh lao động sản xuất, đấu tranh sinh tồn với thiên tai, dịch bệnh để bảo vệ giống nòi, bảo vệ dân tộc Việt. Chính vì vậy y học cổ truyền có tính thực tiễn, hiệu quả và dần dần được khoa học hóa mạnh mẽ để trở thành nguồn văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt.
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc có lịch sử hàng nghìn năm giao lưu với các quốc gia trong khu vực nên y học cổ truyền Việt Nam rất phong phú, đa dạng, độc đáo. Đặc điểm y học cổ truyền các dân tộc chủ yếu lưu truyền theo dạng kinh nghiệm, dân gian truyền miệng, một bộ phận đã được ghi chép lại nhưng không nhiều (dân tộc Kinh, Tày, Mường, Dao…) trong đó các kinh nghiệm đã được khái quát, lí luận theo quan điểm triết học phương Đông, các khái niệm về âm dương ngũ hành, kinh dịch được vận hành làm cơ sở cho sinh lí, giải phẫu, bệnh lí, điều trị, dự phòng. Nhiều thuốc y học cổ truyền, đồng thời cũng là thực phẩm, cộng đồng các dân tộc đã có kinh nghiệm sử dụng hàng nghìn năm. Đây là sự khác biệt lớn giữa thuốc y học cổ truyền và thuốc có nguồn gốc hóa dược trong y học hiện đại. Các thuốc hóa dược là các hợp chất tinh khiết có tác dụng mạnh, nhanh, tập trung cao tại đối tượng đích (cơ quan, vi khuẩn, vi rút…). Tuy vậy các thuốc này không có sẵn trong tự nhiên mà phải pha chế sản xuất trong phòng thí nghiệm, rất xa lạ với cơ thể con người nên độc tính, tác dụng không mong muốn cần được quan tâm đặc biệt.
Trên cơ sở lý luận đó Viện Y học bản địa Việt Nam đã sưu tầm, kế thừa, phát triển những lí luận và thực tiễn về y học cổ truyền trong nghiên cứu các sản phẩm về bài thuốc và các phương pháp điều trị, từ khi thành lập đến nay viện đã tập trung nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm được sử dụng trong điều trị, trong phòng bệnh, tuy có nguồn gốc tự nhiên thân thiện với con người, nhưng để đạt được hiệu quả và an toàn các thầy thuốc đã tích lũy kinh nghiệm trong sử dụng đúng lúc, đúng cách.
Trong điều trị các bệnh mãn tính, ngoài các cây con đã được nghiên cứu kỹ về thành phần, tác dụng, độc tính… còn dựa trên điều hòa âm dương, hàn nhiệt đó chính là nâng cao sức đề kháng, khả năng tự điều chỉnh miễn dịch tích cực của cơ thể con người trong phòng và chữa bệnh, dựa trên khả năng đó Viện đã có các nghiên cứu bài thuốc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khó của thời đại như ung thư, tim mạch, tiểu đường, HIV/AIDS… mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.
Song song với việc điều trị, Viện Y học bản địa Việt Nam nghiên cứu những bài thuốc dựa trên nguyên lý điều hòa bản tạng, tình trạng thiên thắng của cơ thể. Theo Y học cổ truyền nhìn vẻ bề ngoài của cơ thể con người tuy khỏe mạnh bình thường nhưng có thể bên trong đã tiềm ẩn sự mất cân bằng về âm dương, về hàn nhiệt, dựa trên tình trạng thiên về âm hư hay dương hư, thiên hàn hay thiên nhiệt, các yếu tố đàm, thấp, huyết ứ có nhiều hay ít để có biện pháp dùng thuốc hay không dùng thuốc như xoa bóp, châm cứu, cấy chỉ, dưỡng sinh, dinh dưỡng… để điều chỉnh, đó chính là biện pháp tích cực chủ động phòng bệnh khi chưa phát bệnh.
Bác sỹ Triệu Thị Tâm
Nghiên cứu Viên