C. Quá trình bệnh sinh và sự tự miễn hủy hoại tế bào beta ĐTĐ-T1A

Sự khác nhau của ĐTĐ-1A với ĐTĐ-1B là sự teo chết tế bào beta tụy, ĐTĐ-T1B không qua trung gian tế bào T, tức là không xuất hiện kháng thể tự miễn. Sự suy kiệt  và/hoặc teo chết  tế bào beta cũng được biểu hiện giống trong ĐTĐ-T2. Điểm khác biệt là trong ĐTĐ-T1AB là tế bào beta tụy bị teo chết hẳn còn trong ĐTĐ-T2 tế bào beta không chết hẳn mà chỉ rối loạn chức năng và suy kiệt- kiểu đái tháo đường không phụ thuộc Insulin. Diễn biến dẫn đến suy kiệt và/hoặc teo chết tế bào beta giữa ĐTĐ-T1 và ĐTĐ-T2 có những đặc điểm chung sẽ được thảo luận ở phần ĐTĐ-T2.

Cơ chế gây chết tế bào Beta đảo tụy trong Đái tháo đường type 1

ĐTĐ-T1 là một bệnh tự miễn dịch với bằng chứng là viêm tự miễn đảo tụy, trong đó có sự teo nhỏ của đảo tụy do tế bào beta bị hủy hoại kèm theo sự vắng mặt của Insulin ở 3 mô chính: gan, cơ vân, mô mỡ. Do vậy những mô này không những không hấp thu và chuyển hóa Glucose mà còn tiếp tục phóng thích các Glucose, các acid amin, các acid béo vào máu. Các chất mới này cũng không thể chuyển hóa hết được vì thiếu năng lượng đốt cháy có nguồn gốc từ Glucose. Hậu quả là các sản phẩm chuyển hóa dở dang sẽ tạo ra các thể ceton, làm tăng ceton máu và có ceton trong nước tiểu.

Cơ chế bệnh sinh của ĐTĐ T1 là do tế bào lympho T thâm nhiễm vào tụy, khởi phát quá trình tự miễn dịch làm phá hủy các tế bào beta hoặc chính các tế bào T gây ra phản ứng viêm tại đảo tụy tiết ra lymphokin phá hủy tế bào beta.

Đối với ĐTĐ T1A là bệnh tự miễn dịch trong đó các tế bào phản ứng chính là các lympho bào T. Điểm mốc của sự khởi đầu ĐTĐ-T1A là sự xâm nhập của các lympho bào vào các tiểu đảo, gây ra viêm tiểu đảo. Điều đặc biệt là chỉ các tiểu đảo chứa các tế bào bài tiết Insulin - tế bào beta mới bị thâm nhiễm. Các tiểu đảo có các tế bào bài tiết glucagon, somatostatin, polypeptid tụy lại không bị thâm nhiễm. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa kỳ cho rằng ĐTĐ-T1 là bệnh tự miễn dịch, có thể liên quan đến cả 2 loại miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào. Các tế bào tiểu đảo từ những người bệnh mới khởi phát bệnh có biểu lộ tăng các phân tử lớp I và các tế bào thâm nhiễm thường gặp nhất là tế bào T-CD8+ vì tế bào T-CD8+ đáp ứng với biểu lộ phân tử lớp I. Cơ chế phá hủy gián tiếp tế bào beta bao gồm: Các lymphokin và các gốc tự do sản xuất bởi các tế bào như đại thực bào, dưới ảnh hưởng của các các lympho bào T đã được hoạt hóa và sự có mặt của một số yếu tố khác.

Đã có nghiên cứu cho thấy có sự xâm nhập vào tiểu đảo tụy gây viêm đầu tiên là các bạch cầu trung tính trong hệ miễn dịch tự nhiên. Thực nghiệm trên mô hình chuột mắc bệnh đái tháo đường không béo phì cho thấy: trong thời gian đầu tiên của khởi phát bệnh ĐTĐ-T1 có sự tập trung các tế bào trung tính trong các tiểu đảo tế bào tụy và sự tập trung này chịu sự điều khiển của đại thực bào viêm và của chính các tế bào beta. Các đại thực bào và các tế bào beta sản sinh ra các phối tử CXC chemokin 1 và phối tử CXC chemokin 2, hướng động dương với bạch cầu trung tính tới các tiểu đảo tế bào tụy. Các đại thực bào ở tiểu đảo tụy tiết ra IL-1β gây ra sự sản xuất phối tử CXCR2 bởi các tế bào beta. Cuối cùng, việc ngăn chặn sự tập trung bạch cầu trung tính ở ngay giai đoạn đầu bằng cách sử dụng các chất đồng vận CXCR2 đã ngăn chặn đáp ứng tế bào T gây bệnh đái tháo đường và sau đó là ngăn chặn sự tiến triển của bệnh đái tháo đường tự miễn dịch.

Doctor SAMAN
TS. Đỗ Văn Lộc & BS. Hoàng Sầm

 

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/03.2019\/%C4%91t%C4%91%204.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/03.2019\/%C4%91t%C4%91%204.jpg","subHtml":""}]