Những chẩn đoán nhầm, sót từng mắc phải hoặc chứng kiến

Đầu những năm 80 của thế kỷ 20 thiết bị y tế thiếu nhiều, phương tiện chẩn đoán chủ yếu 4 xét nghiệm thường quy: soi XQ tim phổi, công thức máu, nước tiểu, 6 chỉ số sinh hóa máu, hãn hữu phải duyệt lãnh đạo mới được chụp phim. Tất nhiên máy siêu âm 2D trắng đen ngày đó còn là ước mơ của các bệnh viện lớn, vì ở Việt nam chưa có bệnh viện nào có. Do vậy công tác chẩn đoán sai nhiều, một phần do chủ quan, phần do thiếu dữ liệu xét nghiệm, hình ảnh thăm dò không xâm nhập, nên chủ yếu chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng. Tuy vậy khi thiếu máy móc hỗ trợ chẩn đoán thì con người trở nên động não hơn, khám lâm sàng kĩ hơn; ngày nay chẩn đoán nhầm thường do thiếu khám lâm sàng tỷ mỉ mà chỉ chủ yếu dựa vào dữ liệu xét nghiệm.

Các bác sỹ còn trẻ có thể lưu ý, chữa bệnh nhân (BN) nào cần lưu hồ sơ vào máy hoặc ghi chép để sau này về già có tư liệu chính xác. Những tư liệu như vậy có thể là nguồn ý tưởng cho các nghiên cứu khoa học.

Những chẩn đoán nhầm, sót thời kỳ bao cấp:

1. Một BN nữ, tên N.T.T.V, 38 tuổi, nghề buôn tạp hóa, mắc chứng cuồng dâm, chồng không chịu được áp lực tình dục nên bỏ. Thường xuyên phải tự sướng để giải phóng cơn ham muốn. Khoa thần kinh – tâm thần chẩn đoán rối loại xúc cảm ham muốn, nằm khoa tâm thần kinh nhưng hằng ngày kết hợp châm cứu các huyệt an thần. Bệnh không thuyên giảm, phát hiện có mỏi đau nhẹ thắt lưng – xương cùng.

Cho chụp khớp cùng – chậu thẳng nghiêng phát hiện khối u 1,5cm x 2,0cm ngang s1 & s2, gọi là nang Ta-lốp (Tarlov) – chuyển khoa ngoại phẫu thuật bóc tách khối u nang. Khỏi.

2. Một bác sỹ giảng viên nội khoa, tên N.V. N, được chuyển từ khoa Thần kinh sang khoa Đông y với triệu chứng đau vai gáy từng cơn âm ỉ rồi lại dịu đi trong ngày. Đã điều trị bằng prednisolon liều thấp và giảm đau bằng hỗn hợp thần kinh nhưng không khỏi. Chúng tôi châm cứu, điện châm, day bấm làm mềm các cơ co cứng. Sau châm ban ngày đỡ nhưng lại chuyển đau cả đêm. Bỗng một ngày xấu trời, anh ấy xuất hiện liệt nhẹ, yếu cơ, các dấu hiệu bó tháp, ngoại tháp đều (-). Chuyển Hà Nội, chọc dịch não tủy chẩn đoán viêm tủy, hoặc viêm não do lao; chụp đốt cổ, chẩn đoán rõ là viêm tủy cổ cắt ngang C6, và tử vong do suy thở.

3. Một bác sỹ Nữ, tên H.T.T.T sau đợt về quê lên đi làm trở lại thì xuất hiện sốt cao, tiểu vàng, da vàng rơm, niêm mạc mắt vàng rõ, men gan tăng không đáng kể, bilirubin toàn phần tăng cao, nước tiểu có máu ... tình trạng này kéo dài, có nguy cơ suy đa tạng. Tôi nghĩ tới bệnh leptospira nhưng các thầy, các bậc đàn anh không cho là vậy. Tình trạng có dấu hiệu nguy kịch, chuyển khoa truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai, chẩn đoán bằng kháng nguyên, kết luận bệnh leptospira, uống mỗi ngày 6 viên Chlorocide 500mg/ngày và truyền dịch. Khỏi.

4. Một BN nam, tên Đ.T.H, công nhân mỏ thiếc, vào viện với tình trạng đau thắt lưng, càng châm cứu càng co cứng lưng. Đêm trực tôi xem lại và khai thác kĩ bệnh sử rồi hội chẩn, chuyển ngay sang khoa truyền nhiễm với chẩn đoán bệnh uốn ván. Đêm đó BN lên cơn uốn ván nhiều lần, dùng seduxen tiêm liều cao và các thuốc giãn cơ khác. Khỏi.

5. Một BN nam, tên H.V.D, tuổi 55, đau vai tay chủ yếu đau vùng lưng cao, không ho, không khó thở, cơ sườn lưng, sườn cột sống bình thường. Châm cứu đỡ tạm thời khoảng 6h rồi lại đau như cũ. Mỗi ngày tình trạng đau tăng dần. Cho chụp phổi, chẩn đoán ung thư đỉnh phổi phải.

6. BN nam, tuổi 50, nghề nghiệp làm ruộng, đau vai gáy kéo dài âm ỉ nhiều tháng, không sốt, dấu hiệu gõ dồn (+). Chụp tim phổi bình thường, xin chụp đốt cổ thì hết tiêu chuẩn phim. Do điều trị kéo dài, không đỡ nên Tôi cố xin lãnh đạo duyệt cho 1 phim nữa, chụp thấy hình ảnh xẹp cung sau đốt sống C7 chẩn đoán Lao đốt sống cổ. Chuyển bệnh viện Lao điều trị. Khỏi.

7. BN nam, kỹ sư cầu đường, có tình trạng nhìn 1 thành 2 ảnh, nhìn một người thành hai người, gọi là chứng song thị. Một số thầy chẩn đoán là viêm giao thoa thần kinh thị giác, một số khác cho là nhược cơ ... riêng 1 thầy nói riêng với tôi là khả năng hội chứng choán chỗ (u não). Chụp phim không thấy xô lệch đường giữa, do vậy chẩn đoán u não có vẻ thiếu thuyết phục ... chuyển Bạch Mai chụp não có cản quang, chẩn đoán: u hồi hải mã. Tử vong.

8. Có BN nữ 57 tuổi, kế toán trường trung cấp sư phạm, nằm bệnh viện tỉnh với chẩn đoán viêm mạn tính thoái hóa khớp gối và đau thần kinh tọa do thoái hóa cột sống. Lâm sàng không đủ triệu chứng đau tọa, đau gối 1 bên rõ ràng cùng bên đau hông.

Người nhà (chồng) là giám đốc 1 sở xin cho ra viện, đưa đến nhờ tiêm khoang ngoài màng cứng. Khám lại toàn diện thì hóa ra viêm khớp háng, vì trong viêm khớp háng có 20% chỉ đau đầu gối mà không đau khớp háng và có thêm triệu chứng gần giống như đau tọa. Tiêm nội khớp háng. Khỏi.

9. BN nam 28 tuổi, dân tộc Dao, Lạng Sơn. Đã nằm khoa tim mạch bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán cơn cuồng động nhĩ và điều trị theo hướng đó. Bệnh không có dấu hiệu tiến triển tốt. Khám lại lâm sàng, sau ăn đầy bụng mất 4h mới hết nhưng không đau thượng vị. Các cạnh sống lưng cao có phản ứng đau từ D6 đến D11; khám bụng thượng vị chỉ tức, không đau. Dò tai, điểm dạ dày - tá phản ứng mạnh. Chẩn đoán lại: cơn cuồng động nhĩ có kích thích dây thần kinh X do viêm loét dạ dày không điển hình. Điều trị dạ dày-tá, khỏi hết cơn cuồng động nhĩ.

10. BN Triệu thị Ph, nữ, 62 tuổi, huyện Chợ Rã, nay gọi huyện Ba Bể. Bụng cổ chướng to đến mức đi lại khó khăn, bệnh viện Bắc Kạn chẩn đoán xơ gan cổ chướng, thế nhưng diễn tiến như vậy đã 4 năm nên chẩn đoán này không thuyết phục. Thầy Vi Văn Đô chẩn đoán khả năng là u nang buồng trứng phát triển nhiều năm từ ngày còn trẻ. Thầy Hoàng Sơn và thầy Bái mổ, đúng là khối nang nước phát triển từ 1 nang buồng trứng. Khối u nặng 13,5 kg. Khỏi.

11. BN nam, tên T.V.D, quê quán Võ Nhai vào khoa ngoại với tình trạng đau bụng âm ỉ, kéo dài nhiều tháng. Khám bụng trên rốn có 1 khối u mềm, không đồng nhất. Soi Xq thấy một khối lổn nhổn, không đồng nhất, có những vệt cản quang. Hội chẩn nhiều ý kiến không thống nhất. Riêng thầy Hứa Thái Long khẳng định 90% là hiện tượng thai trong thai, nghĩa là khi mẹ bệnh nhân mang thai đôi thì một thai chui vào trong bụng thai kia nên không phát triển được. Sau phẫu thuật mổ phiên thì đúng như chẩn đoán.

Những chẩn đoán nhầm, sót thời kỳ áp dụng công nghệ hiện đại.

1. Một buổi gần trưa, thầy Lý Ngọc K. Sau là cục trưởng cục quản lý khám chữa bệnh đưa đến cho tôi 1 bệnh nhân, bé trai 16 tuổi, nói: “cháu này là con bạn học của tớ, đang sốt, đã nội soi, viêm cấp niêm mạc dạ dày rõ. Cậu giúp tớ điều trị bằng thuốc nam nhé, người nhà muốn vậy, tớ biết cậu giỏi về dạ dày-tá mà, nổi tiếng còn gì”. Tôi đành làm theo ý thầy, ngay tối bệnh nhân hết sốt, hết đau, ăn được và bắt đầu đi học bình thường. Hai hôm sau, bố bệnh nhân mang xét nghiệm đến, men gan tăng gấp 8 lần bình thường ... tá hỏa xem lại thì cháu bé bắt đầu vàng da, vàng mắt. Thì ra là viêm gan B cấp tính.

2. BN 73 tuổi, nghề chạy xem ôm, đau khớp vai phải dai dẳng, Bác sỹ siêu âm thấy có hình ảnh tiêu xương lồi cầu và ổ chảo, chuyển BN đi viện K vì nghi ung thư xương. Tôi cho rằng hiện tượng tiêu xương là do vi sang chấn nghề nghiệp. Dừng đi viện K, điều trị theo hướng tiêu xương do vi sang chấn. Khỏi.

3. BN là Công an chống ma túy, 31 tuổi, người cứ yếu dần, yếu dần rồi nói lẫn, liệt nhẹ, không sốt, kéo dài hơn 1 tháng; các dấu hiệu thiếu sót Tháp, ngoại tháp đều (-). Bệnh viện huyện P.L hướng tới lao màng não nên mời hội chẩn ngay trong đêm theo đề nghị của người nhà: thấy phân lỏng kéo dài, nấm candyda anbicans lưỡi nên nghĩ bụng đến HIV/AIDS nhưng không dám nói. Chuyển bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên chụp cộng hưởng từ sọ não có hình ảnh áp – xe đa ổ; cho làm xét nghiệm HIV (+).

4. BN ở huyện Hàm Yên, Tuyên Quang, nghề cai xây dựng, nghiện rượu, siêu âm thấy hình ảnh xơ gan có cổ chướng nhẹ; giữa các mô gan thô lại có những khối rỗng âm, viền giới hạn rõ ở nhiều phân thùy nên nghĩ đến ung thư gan trên nền xơ gan. Các bác sỹ cho gửi chuyển viện K. Khi xem lại chúng tôi không nghĩ tới xơ gan mà nghĩ tới “khoảng đảo lành tự vệ”. Điều trị theo hướng xơ gan và yêu cầu kiêng rượu tuyệt đối. Khỏi.

5. BN Hoàng Thị T, 40 tuổi, Phổ Yên, Thái Nguyên bị bệnh viện truyền nhiễm trung ương trả về vì men gan tăng quá cao, trong đó GPT tăng trên 2000 đơn vị; đặc biệt αFP tăng tới trên 1200 ng/ml. Ngay trong đêm, được 1 bác sỹ học trò giới thiệu theo kiểu “còn nước còn tát”. Chúng tôi cho rằng mặc dù chỉ số αFP là chỉ điểm của ung thư gan tăng quá cao nhưng cũng không phải đặc hiệu. Nhưng vì bệnh nhân suy kiệt nặng, nguy cơ tử vong nên người nhà phải làm giấy cam đoan. Sau đó chữa theo hướng viêm gan tối cấp bằng thuốc nam. Khỏi đã hơn 16 năm nay, hiện vẫn khỏe.

7. BN nam, 26 tuổi, đau thượng vị thê thảm, nhiều đợt tái phát, nội soi có hình ảnh viêm xung huyết nhẹ, xét nghiệm HP (+). Mọi điều trị đều hướng tới diệt HP và chống viêm dạ dày. Cơn đau thê thảm vẫn tái phát, nghĩ tới cơn đau đám rối dương. Dùng Carbamazepine điều trị một đợt 10 ngày. Khỏi mãi.

Trên đây không nêu hết được các nhầm, sót trong chẩn đoán. Thời kỳ bao cấp chủ yếu dựa vào lâm sàng, ngày nay chủ yếu dựa vào xét nghiệm. Để giảm sai sót, chúng ta nên phân tích xét nghiệm, lắng nghe bệnh nhân và khám lâm sàng thận trọng. Tuy vẫn có sai sót nhưng chắc chắn sẽ ít hơn.

Bác sỹ Hoàng Sầm.

[]