Các thể bệnh của Trầm cảm cũng có nhiều, ở đây tôi chỉ xin giới thiệu một vài thể hay gặp, mà chúng ta cần lưu ý trong quá trình chẩn đoán cũng như điều trị, để tránh nhầm lẫn, bỏ sót và với mục đích cuối cùng để chăm sóc sức khoẻ và điều trị ngày càng có hiệu quả hơn cho những  bệnh nhân bị bệnh này.

1) Trầm cảm ẩn.

– Loại Trầm cảm ẩn này trên thực tế cũng hay gặp, chúng ta rất dễ nhầm và cho rằng bệnh nhân bị mắc một bệnh cơ thể nào đó (có trên thực tế trên cơ thể của bệnh nhân) mà không phải là mắc bệnh Trầm cảm, các trường hợp này thường đã đi khám nhiều bác sỹ ở các chuyên khoa khác nhau đã được chẩn đoán, cho thuốc điều trị, nhưng không có kết quả hoặc kết quả rất kém, cuối cùng cực chẳng đã, bệnh nhân và người nhà của các bệnh nhân thuộc loại này mới “đành phải” đến khám bác sỹ chuyên khoa Tâm thần.

– Trầm cảm ẩn còn được gọi bằng các tên khác như: trầm cảm không trầm cảm, trầm cảm đeo mặt nạ.

– Đặc điểm của loại trầm cảm ẩn là các triệu chứng cơ thể nổi bật, trong khi đó các triệu chứng của Trầm cảm lại mờ nhạt, rất khó nhận ra. Bệnh nhân biểu hiện ra bên ngoài chủ yếu triệu chứng chính là đau, thường hay gặp là đau ống tiêu hoá, nên bệnh nhân thường đi khám Nội khoa, khám tiêu hoá, soi dạ dày, siêu âm ổ bụng… có thể nói là rất nhiều lần, nhưng không phát hiện tổn thương. Kế đó là đau vùng trước ngực, đau vùng tim vì thế cũng hay gặp bệnh nhân đi khám Tim mạch, làm điện tim, siêu âm tim, chụp MRI… nhưng các kết quả cũng không có gì đặc biệt. Có thể có bệnh nhân còn biểu hiện đau cơ, đau xương khớp, đau tiết niệu, đau sinh dục, đau lưng, yếu sinh lý tình dục hoặc liệt dương, nữ lãnh cảm…

Đau loại này có đặc điểm là mơ hồ, không có tính chất cố định, lúc chỗ này, lúc lại là chỗ khác, không đặc trưng cho một cơ quan nào và không có đáp ứng với điều trị biệt định. Thông thường bệnh nhân rất lo lắng về bệnh tật của họ, luôn tìm cách đi khám bệnh và mong được điều trị… để mong khỏi bệnh. Nhưng thường lại trái với mong ước này của bệnh nhân, bệnh nhân đã sinh ra tâm lý bi quan chán nản… tạo thành vòng xoáy bệnh lý làm bệnh ngày một nặng lên.

Một điều đáng lo ngại là phần đông những bệnh nhân này lại không bao giờ thừa nhận rằng họ bị mắc bệnh Trầm cảm hoặc bệnh Tâm thần, nên cũng không chịu đến khám các bác sỹ Tâm thần. Họ cho rằng “tôi chỉ có đau một vùng như thế, làm sao lại bị Trầm cảm, Tâm thần được, vớ vẩn quá…” và “không thể có chuyện ấy được”…

Nhưng có một điều thực tế là, trong số những bệnh nhân này, có người đã đến khám chuyên khoa Tâm thần theo sự “cực chẳng đã”, hoặc có thể do tò mò khám để “xem thử thế nào”. Hoặc do bạn bè, người nhà bệnh nhân bắt buộc đưa đến khám. Sau khi được khám các bác sỹ chuyên khoa Tâm thần, được chẩn đoán là Trầm cảm, dùng các thuốc chống Trầm cảm và một số phương pháp điều trị khác không dùng thuốc thì các triệu chứng bệnh tật của các bệnh nhân này đần dần lui dần và biến mất, tức là cho kết quả tốt, ổn định bệnh và khỏi bệnh.

2) Trầm cảm ở người cao tuổi.

Trầm cảm bản chất đã là phức tạp, nhưng Trầm cảm ở người cao tuổi lại phức tạp hơn, có thể nói “phức tạp chồng lên phức tạp”, vì vậy nó khó khăn cho cả trong việc chẩn đoán cũng như trong vấn đề điều trị bệnh này. Vì rằng các triệu chứng của Trầm cảm phần lớn là mang tính chủ quan, các rối loạn mang tính cơ năng… mà hơn nữa các triệu chứng này lại có thể gặp trong rất nhiều bệnh khác nhau, nó lại đan xen chồng lấn, chồng chéo, có khi triệu chứng thực thể lại quyện vào triệu chứng cơ năng hoặc ngược lại… Triệu chứng bệnh Trầm cảm ở người cao tuổi có một số đặc điểm riêng so với các tuổi khác, các đặc điểm riêng đó là:

–  Ở người cao tuổi rối loạn nhận thức trong Trầm cảm lại thường nổi trội như bệnh nhân có rối loạn tư duy, rối loạn sự chú ý, rối loạn trí nhớ, một số tác giả còn gọi hiện tượng này là mất trí giả trong Trầm cảm. Biểu hiện bệnh nhân quên nhiều, đặc biệt là rối loạn trí nhớ gần như bệnh nhân quên các sự việc và hiện tượng vừa xảy ra. Thí dụ: bệnh nhân không nhớ mình đã vừa ăn gì buổi trưa nay, không biết đã vừa gặp ai đó… Các rối loạn cảm xúc khác như buồn, chậm chạp trong hành vi tác phong… cũng khá nổi bật.

–  Bệnh nhân bị Trầm cảm khi cao tuổi, thường là loại Trầm cảm nặng có loạn thần, hoang tưởng hay gặp là hoang tưởng nghi bệnh (cho rằng mình đang bị các bệnh nan y khó chữa như ung thư, xơ gan, nhồi máu cơ tim…), hoặc hoang tưởng bị hại, bị theo dõi… (bệnh nhân cho rằng có ai đó đang tìm cách đầu độc mình).

–  Một điều hiển nhiên và cũng gây khó khăn cho chẩn đoán xác định và điều trị là khi cao tuổi mà mắc bệnh Trầm cảm thì thường các bệnh nhân này sẽ có các bệnh cơ thể kết hợp, thí dụ họ có thể bị cao huyết áp, bệnh tim mạch, gan, thận, nội tiết (đái đường), u tuyến tiền liệt… và những bệnh này thường là những bệnh mạn tính, cần điều trị lâu dài, có khi còn suốt đời. Vì vậy nó làm cho bệnh cảnh lâm sàng ở những bệnh nhân này trở nên vô cùng phức tạp và rối rắm… Cho nên việc chẩn đoán Trầm cảm và điều trị ở nhóm người cao tuổi cũng vì thế mà khó khăn hơn.

–  Hơn nữa, ngày nay nhiều tác giả còn thấy ở bệnh nhân khởi phát bệnh Trầm cảm muộn, thường có các hình ảnh bất thường trên chụp cộng hưởng từ não (MRI), các hình ảnh này giống như những hình ảnh trong tổn thương  mạch máu não. Những bệnh nhân này thường có nguy cơ cao phát triển thành mất trí. Đây là vấn đề chúng ta cần lưu ý.

–  Trong quá trình điều trị Trầm cảm ở người cao tuổi các nhà nghiên cứu thấy rằng:

+ Các thuốc chống Trầm cảm để điều trị cho  người cao tuổi thường không đáp ứng như ở những người trẻ tuổi.

+ Những người cao tuổi cần điều trị thuốc chống Trầm cảm phải trong một thời gian dài hơn, thường là sau 12 tuần mới cho kết quả. Do vậy người nhà cũng như bệnh nhân sẽ thiếu tin tưởng trong liệu trình, thậm chí bổ điều trị.

+ Một vấn đề nữa là khi điều trị ở nhóm này, các bệnh nhân cũng thường có tác dụng không mong muốn của thuốc nhiều hơn, nhất là loại thuốc chống Trầm cảm 3 vòng, vì vậy có tác giả khuyên  nên dùng thuốc chống Trầm cảm nhóm SSRI và các thuốc chống Trầm cảm mới khác như Venlafaxin, Tianeptin… vì các thuốc này dung nạp tốt hơn.

3. Trầm cảm ở tuổi vị thành niên.

– Trước đây người ta cho rằng Trầm cảm ở tuổi vị thành niên là hiếm gặp, nhưng trong khoảng thời gian 20 năm lại đây, người ta lại thấy rằng, Trầm cảm ở người vị thành niên lại có xu hướng phát triển và tăng lên nhanh chóng.

– Trong điều trị, Trầm cảm ở tuổi vị thành niên cũng không có sự khác biệt so với người lớn.

– Triệu chứng của Trầm cảm tuổi vị thành niên cũng tương tự như người lớn, nhưng người ta thấy có một số điểm khác biệt như sau:

+ Bệnh nhân không phải là khí sắc trầm cảm như người lớn mà lại là khí sắc ở tình trạng kích thích.

+ Mất cảm giác ngon miệng và sút cân lại thường gặp hơn.

+ Mất ngủ thường xuyên hơn, hình như không có tình trạng ngủ nhiều.

+ Bệnh nhân dễ bị kích thích.

+ Bệnh nhân ở tình trạng mệt mỏi thường xuyên.

+ Bệnh nhân khó tập trung chú ý.

+  Bệnh nhân có rối loạn trí nhớ: như giảm nhớ (hay quên).

+ Năng lực học tập và kết quả học tập của bệnh nhân giảm sút rõ rệt so với trước khi mắc bệnh.

+ Đặc biệt là hay có ý định và hành vi tự sát.

– Tự sát ở nhóm tuổi từ 15 – 19 tuổi là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở nhóm tuổi này. Chúng ta cũng chú ý  rằng tự sát là 1 trong những triệu chứng của Trầm cảm. Người ta thấy rằng khoảng 40 – 80% số trường hợp tự sát ở lứa tuổi này có đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán là có bị Trầm cảm hay không.

– Về sự tiến triển của Trầm cảm ở tuổi vị thành niên, thì có đến 90% số trường hợp sẽ có tái phát cơn Trầm cảm trong vòng 1 – 2 năm sau khi bị khởi phát bệnh Trầm cảm. Ở trẻ từ 8 – 13 tuổi, nguy cơ tái phát cao nhất trong thời gian từ 15 – 18 tháng sau khi trẻ bị bệnh này. Thời gian tái phát bệnh trung bình ở tuổi vị thành niên là 3,5 năm/lần. Những người này sau khi lớn lên sẽ có nguy cơ từ 60 – 70% tái phát bệnh Trầm cảm.

– Một điều đặc biệt nữa là, có khoảng 19% những người bị Trầm cảm ở tuổi vị thành niên sau này sẽ xuất hiện cơn hưng cảm, đồng nghĩa với việc chúng ta phải thay đổi hẳn chẩn đoán một bệnh là từ Trầm cảm thành rối loạn cảm xúc lưỡng cực.

Đây cũng là một minh chứng thêm sự phức tạp và khó khăn trong chẩn đoán bệnh này, nhiều khi phải chờ đợi có thời gian mới chẩn đoán chính xác được một bệnh Tâm thần nói chung và bệnh Trầm cảm nói riêng.

Viết những dòng trên, tôi lại nhớ về buổi học lâm sàng chuyên khoa Tâm thần tại khoa Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai Hà nội (nay là Viện sức khoẻ Tâm thần), trong những năm 70 của thế kỷ trước, ngày ấy có một bệnh nhân trẻ (tôi vẫn nhớ rõ tên, vì đó là con 1 vị giáo sư trong ngành) cũng tuổi vị thành niên 12 – 13 tuổi. Triệu chứng lâm sàng biểu hiện là có rối loạn Tâm thần kiểu rối loạn cảm xúc, tư duy, hành vi tác phong… mà bệnh nhân này ở trạng thái kích thích là chủ yếu. Thày giáo sư đầu ngành Tâm thần Việt nam (tôi nhớ rõ tên nhưng xin không nói tên) kết luận rằng: cháu này hiện tại là nhân cách bệnh, nhưng phải có thời gian (có thể 5 – 10 năm sau mới cho chẩn đoán chính xác được, có thể là loạn thần hưng trầm cảm, có thể là Tâm thần phân liệt…) Sau này khi đã ra trường, có dịp về Hà nội, tôi hỏi lại một số bạn bè đồng nghiệp làm ở khoa Tâm thần bệnh viện Bạch Mai trường hợp bệnh nhân này (vì bệnh nhân diện đặc biệt làm tôi nhớ), họ nói rằng bây giờ bệnh nhân ấy là Tâm thần phân liệt mất rồi. Vì trong 3 bệnh mà bệnh nhân có thể bị mắc tôi kể trên, bệnh tâm thần phân liệt đáng lo ngại hơn cả. Vậy mới biết là chẩn đoán bệnh tâm thần hết sức dễ nhầm, nếu không có thực tế lâm sàng và kiến thức chuyên sâu.

Ngô Quang Trúc

Ts.Bs Cao cấp chuyên ngành Thần Kinh

Doctor SAMAN

[]