Đau đầu là một bệnh hoặc cũng có thể là một triệu chứng của một bệnh, là một bệnh (tạm gọi như vậy) khá phổ biến, vì ít ai trong chúng ta trong cả cuộc đời mà lại không bị đau đầu.
Đau đầu hay Nhức đầu, là một vấn đề có thể rất đơn giản hoặc vô cùng phức tạp, nó có thể chỉ là triệu chứng của một bệnh thường gặp (như Cảm cúm), hoặc có thể chỉ là sinh lý bình thường (suy nghĩ căng thẳng) có thể Nhức đầu và có thể tự khỏi, song nhiều khi nó cũng là triệu chứng của nhiều bệnh có thể dẫn đến chết người (như u não, viêm não, viêm màng não, đột quỵ…), mặc dù được điều trị và chẩn đoán kịp thời. Đặc điểm, tính chất, vị trí… của nhức đầu cũng vô cùng đa dạng, phong phú vì nó phụ thuộc vào thể trạng từng người, từng loại bệnh, từng thể bệnh, từng nguyên nhân…

Cho đến thời điểm hiện nay, khi nền khoa học – y học thế giới đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, và đã có rất nhiều nghiên cứu về chứng bệnh này, tuy nhiên đau đầu nói chung, đặc biệt là đau đầu Migraine nói riêng, vẫn là sự thách thức đối với Y học, với cơ chế bệnh sinh của đau đầu Migraine này nay vẫn hình thành ba thuyết:

+ Thuyết mạch máu – thể dịch do Wolff đề xướng năm 1963.

+ Thuyết Neuron Thần kinh của Lauritzen đề xướng năm 1986.

+ Thuyết dây V- mạch của Moskowitz năm 1988 là sự kết hợp hai thuyết trên.

Điều đó chứng minh cho sự hiểu biết của con người về chứng bệnh đau đầu còn nhiều hạn chế, vì vậy chúng ta rất cần có những nghiên cứu tiếp tục để điều trị, phòng ngừa… ngày càng có hiệu quả chứng bệnh này, làm giảm đi nỗi lo lắng, nỗi đau đớn của con người.

1) Lịch sử.

+ Cho tới nay, có thể nói rằng, trong các bệnh Thần kinh,  Đau đầu, cùng với Chóng mặt và Động kinh, được con người biết tới sớm nhất, bằng chứng là những mô tả lâm sàng đầu tiên về các bệnh Thần kinh có niên giám vào những năm 1590 -1340 trước Công nguyên, vào khoảng thời đại thứ 17 của Ai Cập cổ đại, do Elber phát hiện ra, được coi là cổ xưa nhất.

+ Hơn hai thế kỷ sau (từ năm 1125 – 1110 trước Công nguyên), người ta đã phân biệt được một cách rạch ròi giữa bệnh Đau nửa đầu (bệnh Migraine) với các loại Đau đầu khác.

+ Đến thế kỷ 2 sau Công nguyên Arettée de Capodoce đặt tên Đau nửa đầu là Đau đầu dị thường (Heterocrania), sau đó danh từ này còn được thay đổi nhiều lần qua các thời kỳ như Đau nửa đầu (Hemicrania; Hemigrania) hoặc Migranea.

+ Tên gọi Migraine (đau nửa đầu), được các tác giả Pháp sử dụng từ thế kỷ 14 và được tồn tại cho đến ngày nay.

+ Cùng theo thời gian, con người cũng đã tìm ra nhiều nguyên nhân dẫn đến Đau đầu, cũng như nhiều phương pháp điều trị có hiệu quả đau đầu. Tuy nhiên, cho đến nay, mặc dù con người đã có nhiều tiến bộ về Khoa học – Kỹ thuật, có khá  nhiều công trình nghiên cứu về đau đầu, nhưng đau đầu vẫn luôn là sự thách thức với Y học hiện đại.

2) Phân loại đau đầu.

   Năm 1988 Hiệp hội Đau đầu thế giới IHS (International  Headache Society) đã cho ra bảng phân loại quốc tế về Đau đầu lần thứ nhất. Đến năm 2003 bảng phân loại Đau đầu quốc tế lần thứ II cũng được hoàn thiện. Trong bài viết này chúng tôi chỉ xin giới thiệu bảng phân loại Đau đầu quốc tế lần thứ nhất. Bảng phân loại lần thứ hai chúng tôi sẽ xin giới thiệu ở bài viết khác.

Bảng phân loại Đau đầu của HIS lần thứ nhất (1988)

 

1. Migraine

7.4 Sarcoidosis và các bệnh viêm vô khuẩn khác.

1.1 Migraine thông thường.

7.5 Đau đầu liên quan với tiêm vào khoang dịch não tuỷ.

1.2 Migraine cổ điển.

7.6 U nội sọ.

1.3 Migraine liệt vận nhãn.

7.7 Đau đầu kèm theo bệnh nội sọ khác

1.4 Migraine võng mạc.

8. Đau đầu liên quan đến hoá chất

1.5 Các hội chứng chu kỳ ở trẻ em.

8.1 Đau đầu do sử dụng hoặc tiếp xúc cấp tính với hoá chất.

1.6 Các biến chứng của Migraine.

8.2 Đau đầu do sử dụng hoặc tiếp xúc mạn tính với hoá chất.

1.7 Migraine không đáp ứng các tiêu chuẩn trên.

8.3 Đau đầu do ngừng sử dụng hoá chất (sử dụng cấp tính)

2. Đau đầu do căng thẳng.

8.4 Đau đầu do ngừng sử dụng hoá chất( sử dụng mạn tính)

2.1 Đau đầu do căng thẳng có chu kỳ.

8.5 Đau đầu có liên quan đến hoá chất nhưng cơ chế không xác định.

2.2 Đau đầu do căng thẳng mạn tính.

9. Đau đầu kèm theo nhiễm khuẩn ngoài não.

2.3 Đau đầu do căng thẳng không đáp ứng các tiêu chuẩn trên

9.1 Nhiễm Virus.

3. Đau đầu chuỗi và các cơn đau nửa đầu mạn tính.

9.2 Nhiễm khuẩn.

3.1 Đau đầu chuỗi.

9.3 Đau đầu liên quan đến bệnh truyền nhiễm khác.

3.2 Các cơn đau nửa đầu mạn tính.

10. Đau đầu do rối loạn chuyển hoá.

3.3 Các chứng đau đầu giống đau đầu chuỗi không đáp ứng các tiêu chuẩn trên.

10.1 Thiếu Oxy.

4. Các chứng đau đầu khác không do tổn thương cấu trúc.

10.2 Tăng phân áp CO2 trong máu.

4.1 Đau đầu typ dao đâm nguyên phát

10.3 Thiếu Ôxy và tăng phân áp CO2 hỗn hợp

4.2 Đau đầu do chèn ép ngoài sọ.

10.4 Hạ đường huyết.

4.3 Đau đầu do lạnh.

10.5 Lọc máu.

4.4 Đau đầu lành tính do ho.

10.6 Đau đầu liên quan đến rối loạn chuyển hoá khác.

4.5 Đau đầu lành tính do gắng sức.

11. Đau đầu hoặc đau mặt kèm theo các bệnh xương sọ, gáy, mắt, tai, mũi. xoang, răng, miệng…hoặc cấu trúc sọ mặt khác.

4.6 Đau đầu kèm theo hoạt động sinh dục.

11.1 Xương sọ.

5. Đau đầu kèm theo chấn thương sọ.

11.2 Gáy.

5.1 Đau đầu cấp tính sau chấn thương.

11.3 Mắt.

5.2 Đau đầu mạn tính sau chấn thương.

11.4 Tai.

6. Đau đầu kèm theo bệnh mạch máu.

11.5 Mũi và xoang.

6.1 Bệnh thiếu máu não cấp tính.

11.6 Răng, hàm và các cấu trúc liên quan.

6.2 Ổ máu tụ trong não.

11.7 Bệnh khớp thái dương – hàm.

6.3 Chảy máu dưới nhện.

12. Các chứng đau dây thần kinh sọ, thân dây thần kinh và đau do mất dẫn truyền ly tâm.

6.4 Dị dạng mạch máu não không vỡ .

12.1 Đau dai dẳng các dây thần kinh sọ não.

6.5 Viêm động mạch.

12.2 Đau dây thần kinh sinh ba.

6.6 Đau động mạch cảnh hoặc động mạch đốt sống.

12.3 Đau dây tahần kinh lưỡi hầu.

6.7 Huyết khối tĩnh mạch.

12.4 Đau dây thần kinh số VII phụ.

6.8 Tăng huyết áp động mạch.

12.5 Đau dây thần kinh hầu trên.

6.9 Đau đầu kèm theo các bệnh mạch máu khác.

12.6 Đau thần kinh chẩm.

7. Đau đầu kèm theo các bệnh nội sọ không do mạch máu.

12.7 Nguyên nhân trung ương.

7.1 Tăng áp lực dịch não tuỷ.

12.8 Đau mặt không đáp ứng các tiêu chuẩn trong nhóm 11 hoặc 12.

7.2 Giảm áp lực dịch não tuỷ.

13. Đau đầu không được phân loại trong các nhóm trên: do độ cao, nhiễm độc, do thời tiết, dị ứng, yếu tố tâm thần, yếu tố tâm lý, do căng thẳng thần kinh trường diễn…

7.3 Nhiễm khuẩn nội sọ.

 

 

 

3. Dịch tễ học về Đau đầu.

 – Đau đầu là một trong những triệu chứng có tỷ lệ cao nhất của nhiều loại bệnh khác nhau. Người ta ước tính trên thế giới cứ 3 người thì có 1 người bị đau đầu dữ dội trong một lúc nào đó trong cuộc đời. Theo Ramusen và cộng sự (1991) nhận xét: các công dân Đan Mạch trong lứa tuổi từ 25-64 có tới 93% nam và 99% nữ mắc ít nhất một chứng đâu đầu.

 – Theo thống kê của Phòng khám bệnh  bệnh viện 103 thuộc Học viện Quân y thì có tới 50% bệnh nhân tới khám có kèm theo triệu chứng đau đầu (GS. TS Nguyễn Văn Chương, chủ nhiệm bộ môn Thần kinh – Học viện Quân y năm 2008).

 – Trong chứng đau đầu thường gặp hàng ngày thì đau đầu Migraine chiếm tỷ lệ cao nhất. Đa số các tác giả cho rằng có khoảng  5 – 10% dân số thế giới (trong đó có khoảng 10 – 11% nam giới và khoảng 12 – 19% nữ giới) mắc bệnh Migraine, tỷ lệ giới tính: nam/ nữ = 1/3, lứa tuổi hay gặp nhất từ 15 – 30 tuổi. Các tỷ lệ này ở Việt Nam chưa có nghiên cứu và thông báo.

 4. Nguyên nhân của đau đầu nói chung và Migraine nói riêng.

 4.1 Nguyên nhân và cơ chế của đau đầu

   Nhìn chung tất cả các cấu trúc cảm giác của hệ thần kinh trong và ngoài sọ đều có thể sinh đau khi bị kích thích gây ra đau đầu. Nguyên nhân của quá trình kích thích có thể do viêm nhiễm,do sự xâm lấn của khối u, do thiếu máu, do các quá trình bệnh lý gây xoắn vặn, dãn căng hoặc phù nề quanh các mạch máu…

   Cơ chế sinh đau của các tổn thương thực thể nêu trên thường qua hai con đường: (hoặc là chúng  kích thích cơ học lên các thụ cảm thể đau như làm căng, làm dãn hoặc xoắn vặn các mạch máu cũng như các tổ chức mang thụ cảm thể đau khác…), (hoặc chúng sinh ra các chất trung gian hoá học như chất Serotonin, Kinin, Prostaglandin…) và các chất này tác động lên các các thụ cảm và gây diễn biến đau trên lâm sàng.

 4.2  Nguyên nhân gây bệnh  của Migraine.

   Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, thông qua các quan sát thực tế, nhiều tác giả đã cho rằng bệnh Migraine có tính chất gia đình, dần dần nguồn gốc di truyền của Migraine ngày càng được khẳng định.

   Ngày nay người ta đã chứng minh được rằng một trong các thể của Migraine, đó là Migraine liệt nửa  người có gen di truyền nằm  ở tay ngắn của cặp nhiễm thể thứ 19.

   Gần đây nhiều tác giả nhận xét rằng Migraine nằm trong phổ lâm sàng của nhóm bệnh có tên: Bệnh động mạch não di truyền trội theo nhiễm sắc thể thường với  nhồi máu dưới vỏ và bệnh não chất trắng (Cerebral  autosomal  dominant arteriopathy with subcortical infarcts and leucoencephalopathy gọi tắt là CADASIL). Qua đó chúng ta thấy rằng đa số các tác giả cho rằng nguyên nhân của bệnh Migraine là do thay đổi bộ gen di truyền của các bệnh nhân.

 (Chú thích: trong bài viết này chúng tôi có sử dụng một số tư liệu Của GS. TS. BS Nguyễn Văn Chương: chủ nhiệm bộ môn Thần kinh Học viện Quân y. Chúng tôi xin cảm ơn GS Nguyễn Văn Chương.)

Ngô Quang Trúc

Ts.Bs Cao cấp chuyên ngành Thần Kinh

Doctor SAMAN

[{"src":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2015\/03\/dau-nua-dau-yhocbandia.jpg","thumb":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2015\/03\/dau-nua-dau-yhocbandia.jpg","subHtml":""}]