Trong cơ thể thường xuyên có những chất cần được đào thải ra ngoài. Đây là những chất được sinh ra do quá trình chuyển hoá, những sản phẩm do sự phân huỷ tế bào và mô đã già cỗi, các chất độc lạ bằng nhiều đường khác nhau xâm nhập vào cơ thể.
Những chất trên nếu không thải ra ngoài sẽ làm mất tính hằng định của nội môi. Vì vậy chúng được máu vận chuyển tới cơ quan bài tiết. Phổi đào thải khí carbonic, một phần nước. Bộ máy tiêu hoá đào thải các chất cặn bã của thức ăn, nước, các muối vô cơ, các chất độc, lạ theo phân. Hệ thống da đào thải nước, muối vô cơ theo mồ hôi. Thận đào thải các sản phẩm chuyển hoá protid như urê, acid uric, creatinin và các chất có chứa nitơ khác, các sản phẩm chuyển hoá không hoàn toàn của glucid, lipid như acid lactic, các thể cetonic các muối vô cơ, các chất điện giải, các chất độc, lạ do cơ thể tạo ra trong quá trình chuyển hoá, trong quá trình khử độc hoặc đưa từ ngoài vào bằng các đường khác nhau và cuối cùng là nước. Như vậy, thận là một cơ quan quan trọng nhất của hệ bài tiết. Mất chức năng thận con người không thể tồn tại được.
Trong một ngày đêm thận đã thải ra ngoài:
Nước: 1,2-1,5lít.
Cl-: 6-10g.
Na+ 5-6g.
K+ 2-3g.
Ca++ , Mg++ 0,1-0,2g.
Sulfat: 3-15g.
phosphat: 1-5g.
NH3 0,6-0,8g.
urê 20-30g.
Creatinin 1-1,5g.
acid uric 0,1-2g.
GIẢI PHẪU VÀ MÔ HỌC THẬN
Hai thận nằm hai bên cột sống, ngoài phúc mạc, ở hố thắt lưng. Nếu bổ dọc thận từ phía ngoài và nhìn vào mặt cắt thấy thận được chia làm hai vùng rõ rệt: vùng vỏ (màu đỏ) và vùng tuỷ (màu trắng). Vùng vỏ còn được chia thành hai vùng nhỏ hơn đó là vùng vỏ ngoài và vùng vỏ trong (còn gọi là vùng cận tuỷ). Vùng tuỷ cũng được chia thành hai vùng nhỏ hơn đó là vùng tuỷ ngoài (còn gọi là vùng cận vỏ) và vùng tuỷ trong. Sự phân chia này có liên quan tới chức năng cơ bản của nephron: nephron ngoài và nephron trong (còn gọi là nephron cận tuỷ).
Tổ chức thận gồm các đơn vị thận (ống sinh niệu), các ống góp và ống nối, bộ máy cận tiểu cầu, các mạch máu, thần kinh thực vật cùng các tổ chức liên kết.
1. ĐƠN VỊ THẬN.
Đơn vị thận (còn gọi là nephron) là đơn vị cấu trúc – chức năng thận. Mỗi thận có khoảng hơn một triệu đơn vị thận. Một đơn vị thận có hai phần: tiểu cầu thận và tiểu quản
Tiểu cầu thận (tiểu thể Malpighi) là một thể hình cầu đường kính 200mm, gồm bao Bowman và cuộn mạch. Bao Bowman là một cái bọc có hai lớp, ôm lấy cuộn mạch. Giữa hai lớp là khoang Bowman, trong khoang chứa dịch siêu lọc (nước tiểu đầu). Khoang Bowman thông trực tiếp với ống lượn gần. Miệng bao rất hẹp là nơi đi vào và đi ra của động mạch. Động mạch đến (nhánh của động mạch thẳng) sau khi vào bao Bowman nó chia ra khoảng 50 mao mạch chạy song song và có những chỗ thông sang nhau, tạo nên một mạng lưới mao động mạch(cuộn mạch) nằm gọn
trong bao Bowman. Sau đó các mao động mạch tập trung lại thành động mạch đi ra khỏi tiểu cầu. Thông thường động mạch đi nhỏ hơn động mạch đến.
Tiểu quản (có người còn gọi là ống thận) có ba phần khác nhau: ống lượn gần, quai Henle và ống lượn xa. Ống lượn gần có đường đi rất quanh co, uốn khúc. Thành ống là một lớp tế bào biểu mô hình lập phương. Mặt tự do của tế bào có nhiều lông xếp theo hình bàn chải. Trong tế bào có nhiều ty lạp thể. Ống lượn gần có đường kính 50 mm, dài 15 mm. Tiếp theo ống lượn gần là quai Henle. Quai Henle hình chữ U, nằm sâu trong vùng tuỷ. Nhánh xuống mỏng và nhỏ hơn nhánh lên. Thành quai Henle là một lớp tế bào biểu mô dẹt. Ống lượn xa là đoạn cuối của nephron. Đường đi cũng uốn lượn quanh tiểu cầu thận. Có một phần sát vào động mạch đến, động mạch đi và tiểu cầu để tạo nên bộ máy cận tiểu cầu. Thành ống lượn xa là một lớp tế bào biểu mô hình lập phương, mặt tự do của tế bào không có lông.
Chiều dài một nephron là 35-50mm. Nếu cộng chiều dài của toàn bộ nephron hai thận, có thể lên tới 70-100 Km, còn diện tích mặt trong của chúng là 5-8m2.
Trong quá trình tạo thành nước tiểu, ống góp (tiếp theo ống lượn xa) cũng là thành phần khá quan trọng, vì nó có chức năng tăng cường tái hấp thu nước. Do đó ống góp cũng được xếp vào thành phần của ống sinh niệu.
Về mặt chức năng người ta chia nephron ra làm hai loại: nephron vỏ và nephron tuỷ (nephron cận tuỷ). Nephron vỏ chiếm 70% có tiểu cầu nằm ở vùng vỏ ngoài, quai Henle nằm ở vùng tuỷ ngoài. Các nephron này thiên về chức năng bài tiết. Nephron tuỷ chiếm 30% có tiểu cầu nằm ở vùng vỏ trong và quai Henle rất dài nằm sâu trong vùng tuỷ trong. Các nephron này thiên về chức năng tái hấp thu. Bình thường chỉ cần 25% số nephron hoạt động đã đủ đảm bảo cho chức năng của cơ thể. Tuỳ từng điều kiện cụ thể mà ta thấy các nephron vỏ hay nephron tuỷ hoạt động mạnh hơn
2. BỘ MÁY CẬN TIỂU CẦU.
Bộ máy (hay phức bộ) cận tiểu cầu gồm phần ống lượn xa tiếp giáp với động mạch đến và động mạch đi của tiểu cầu và một phần của tiểu cầu. Cấu trúc đặc biệt này chủ yếu ở các nephron vỏ gồm các tế bào sau đây.
– Tế bào macula densa.
Đây là các tế bào của ống lượn xa, sát vào động mạch đến và đi. Các tế bào này hẹp và cao hơn các tế bào khác. Nhân tế bào sát về mặt tự do. Mặt tự do của tế bào có nhiều lông. Bộ máy Golgi và các bào quan rất phát triển trong tế bào này. Tế bào Macula densa vừa là các tế bào nhận cảm vừa là các tế bào chế tiết, sản xuất ra các chất đổ vào máu động mạch đến, động mạch đi và nước tiểu.
– Tế bào cận tiểu cầu (tế bào hạt).
Tế bào cận tiểu cầu nằm xung quanh động mạch (đặc biệt nhiều ở xung quanh động mạch đến). Các tế bào cận tiểu cầu tiếp xúc trực tiếp với các tế bào nội mô của động mạch vào tiểu cầu thận. Tế bào cận tiểu cầu khá đa dạng, nguyên sinh chất có nhiều sợi fibril. Đặc biệt trong tế bào có rất nhiều hạt (nên còn gọi là tế bào hạt). Trong hạt có renin không hoạt động.
– Tế bào lacis.
Các tế bào này nằm rải rác ở phần giữa các tế bào động mạch đến, động mạch đi của tiểu cầu, giữa các tế bào ống lượn xa và tiểu cầu. Các tế bào này có tính thực bào (hình 8.3).
3. HỆ MẠCH MÁU.
Sau khi ra khỏi tiểu cầu thận, động mạch đi chia thành hệ mao mạch thứ hai chi phối toàn bộ tiểu quản. Các mao mạch này sau khi chuyển từ động mạch sang tĩnh mạch, tập trung về các tĩnh mạch lớn rồi đổ vào tĩnh mạch thận. Mạng mao mạch quanh tiểu quản có áp lực máu thấp (18-13-10mm Hg), tạo điều kiện thuận lợi cho hấp thu ở ống thận. Riêng các nephron tuỷ còn có hệ mạch thẳng, hệ mạch này chạy song song với quai Henle, đóng vai trò quan trọng trong chức năng tái hấp thu của các nephron tuỷ.
Do chức năng của các nephron khác nhau nên sự cung cấp máu cho từng vùng thận cũng khác nhau. 80-90% máu là cung cấp cho vùng vỏ, 10-15% cho vùng tuỷ ngoài, chỉ có 3-5% cho vùng tuỷ trong. Điều này chứng tỏ các nephron vỏ có nhu cầu oxy lớn hơn rất nhiều so với các nephron tuỷ. Các tế bào nephron vỏ không có khả năng thoái biến yếm khí như các tế bào nephron tuỷ vì vậy, khi lưu lượng tuần hoàn qua thận giảm thì vùng vỏ dễ bị rối loạn chức năng hơn vùng tuỷ.
4. HỆ THẦN KINH.
Hệ thần kinh thực vật (đặc biệt là hệ giao cảm) có các tận cùng chi phối tới hệ mạch máu thận. Vì vậy hệ thần kinh giao cảm có khả năng điều hoà được lưu lượng tuần hoàn qua thận.
Nguồn: benhhoc.com
Doctor SAMAN