Nhà thám hiểm kiêm chuyên gia sư phạm người Mỹ Dan Buttner đã xác định có 9 yếu tố để quyết định kéo dài tuổi thọ, trong đó có yếu tố nên vận động vừa phải, năm 2014 ông đã viết và cho xuất bản cuốn sách: “Những vùng xanh da trời – Chín bài học của các cụ trường thọ”, sau khi ông tổ chức nhóm các nhà khoa học tiến hành tìm kiếm các cụ trăm tuổi trên thế giới và khám phá những bí quyết sống thọ của họ. Trước đó Dan Buttner đã biết yếu tố quyết định tuổi thọ là lối sống và môi trường và The Danish Twin Study (nghiên cứu các cặp sinh đôi Đan Mạch) khẳng định gene di truyền chỉ quyết định 20% tuổi thọ. Tiếp theo Dan Buttner đã tìm trên bản đồ những vùng đất, nơi có nhiều các cụ sống trăm tuổi để tiến hành nghiên cứu. Kết quả có 5 địa danh đáp ứng yêu cầu gồm:

   + Vùng Barbagia, tức địa bàn vùng núi Sardinia, có tụ điểm các cụ ông trăm tuổi đông nhất.

   + Vùng Ikaria, hòn đảo của Hy lạp, trên biển Egie, một trong những vùng đất có tỷ lệ tử vong tuổi trung niên thấp nhất và tỷ lệ các cụ mất trí nhớ (bệnh Alzheimer) cũng thấp nhất.

   + Bán đảo Nicoya ở Costarica với tỷ lệ các cụ ông sống trăm tuổi chỉ đứng sau Barbagia.

   + Vùng những tín đồ giáo phái Thứ Bảy (trong tuần) ở Loma Linda (California). Họ có tuổi thọ trung bình cao hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình nước Mỹ.

+ Cuối cùng là Okinawa của Nhật bản.

   Dan Buttner đã nhận xét tất cả những địa phương trên đều có những đặc điểm riêng như tôn giáo, thực đơn, ngôn ngữ, tập tục văn hoá… nhưng tất cả cùng chung 9 yếu tố, mà việc tuân thủ này đã đảm bảo sống trường thọ. Chín yếu tố đó là:

  • Liều vận động vừa phải: ngày nay có nhiều người tập luyện tích cực thái quá. Các cụ trăm tuổi không vã mồ hôi nâng tạ trong phòng tập thể hình, cũng không chạy việt dã… Nhưng lối sống và môi trường sống buộc họ phải thực hiện đều đặn liều vận động có cường độ thích hợp hàng ngày. Số đông họ làm vườn hoặc hoặc làm những công việc vừa sức khác.
  • Xác định mục đích sống: cư dân Okinawa gọi đó là Ikigai, còn đồng loại ở bán đảo Nicoya gọi là Plan de vida. Song cả hai trường hợp này có thể tạm dịch là: “Vì thế tôi ra khỏi giường ngủ mỗi buổi sáng”.

Chỉ cần tự ý thức mục đích tồn tại của bản thân đã mang lại hiệu ứng thêm 7 năm tuổi thọ.

  • Tinh thần thoải mái: thậm chí các cư dân của “vùng xanh da trời” cũng không thoát khỏi Stress, thủ phạm dẫn đến những trạng thái viêm mạn tính và đa số các chứng bệnh tuổi già. Tuy nhiên các cụ cao tuổi có vũ khí là cách thức hoá giải hiệu quả căng thẳng tâm lý. Cư dân Okinawa mỗi ngày dành thời gian nhất định ôn lại ký ức về tổ tiên mình, tín đồ giáo phái Thứ Bảy cầu nguyện, còn cư dân Ikaria tự cho phép có giấc ngủ trưa khá dài.
  • Nguyên tắc 80%: tức “Hara hachi bu” theo cư dân Okinawa. Đã hơn 2000 năm nay, dân chúng ở đây truyền tụng lời khuyên cần ra khỏi mâm cơm khi thấy dạ dày đã nạp khoảng 80%. Cư dân các “vùng xanh da trời” ăn bữa tối vào cuối giờ chiều hoặc đầu giờ tối. Sau đó họ không ăn thêm cho đến hết ngày.
  • Thực vật có nốt sần: đậu đỗ, đậu Hà Lan, đậu tương, đậu nành…là những thực đơn nền tảng của các cụ trăm tuổi. Thịt (phần nhiều thịt lợn) chỉ xuất hiện trên mâm cơm vài lần/tháng. Và khẩu phần ăn nhỏ.
  • Rượu vang đỏ: trừ tín đồ giáo phái Thứ Bảy, cư dân những “vùng xanh da trời” còn lại thường xuyên uống rượu với liều không lớn. Thực tế chứng tỏ những đệ tử uống vang có mức độ sống lâu hơn đồng loại chối bỏ ma men. Toàn bộ nghệ thuật dựa trên nguyên tắc hạn chế ở mức độ 1 – 2 ly nhỏ mỗi ngày. Tốt nhất nhâm nhi chén vang cùng bạn bè và trong bữa ăn.
  • Trong tổng só 263 cụ trăm tuổi mà nhóm các nhà khoa học của Dan Buttner nghiên cứu chỉ có 5 cụ không theo cộng đồng tín ngưỡng. Vì vậy xem ra tôn giáo cũng đóng vai trò nhất định với sức khoẻ, nghiên cứu cũng phát hiện tham gia đều đặn thủ tục cầu nguyện 4 lần/tháng kéo dài tuổi thọ từ 4 – 14 năm.
  • Gia đình đặc biệt quan trọng: thân nhân sống cùng ngôi nhà bao giờ cũng là điểm tựa vững chắc nhất đảm bảo chất lượng cuộc sống của các cụ trăm tuổi. Bản thân sự quan tâm chăm sóc của bạn đời có thể mang lại thêm 3 năm tuổi thọ.
  • Bạn thích hợp: các cụ trăm tuổi có nhiều bạn (thực hành lối sống lành mạnh) sẽ thụ hưởng sức khoẻ khá hơn.

   Theo nghiên cứu của Framinham Studies, thì hút thuốc lá, cảm giác hạnh phúc và thậm chí cô đơn cũng bị lây nhiễm. Vậy nên bạn thân nhất của bạn bị béo phì, nguy cơ bản thân bạn cũng thế, sẽ tăng 50% nguy cơ. Giải thích điều này đơn giản, tương tự như câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” vậy.

   Suốt thời kỳ 99,9% lịch sử nhân loại, tuổi thọ trung bình chỉ quãng 30 tuổi. Nhờ những tiến bộ của y học ngày nay, tuổi thọ trung bình là trên 70. Tuy nhiên cơ bắp bị huy động một cách cực đoan, các khớp bị sức ép quá tải, còn cột sống thì bị rệu rã. Nhưng các cụ trăm tuổi trong nghiên cứu của  Dan Buttner tự cho mình liều vận động hàng ngày nhưng với cường độ thấp như các cụ có thể thả bộ đi thăm bạn bè, ghé qua cửa hàng hoặc lên chùa, nhẩn nha tỉa cây nhặt cỏ trong vườn, giải trí với con cháu và đi lại nhiều quanh nhà. Hệ quả là trung bình mỗi ngày, các cụ có thời gian khoảng 105 phút dành cho hoạt động nhẹ nhàng của cơ bắp, mà không cần phải tham gia câu lạc bộ thể thao nào.

   Tại các “vùng xanh da trời” không ai áp dụng thực đơn hà khắc, ở đó tất cả mọi người đều ăn uống theo cách lành mạnh truyền thống, không ăn no căng bụng và tránh ép ăn đêm. Có vài mẹo đơn giản để ăn ít hơn đó là sử dụng bát đĩa nhỏ (nên khi ấy thức ăn trông đầy đặn hơn), ăn chậm nhai kỹ, ăn ở tư thế ngồi và không ăn vặt. Các cụ trăm tuổi đa phần ăn cùng gia đình, không có tivi trong phòng. Các chương trình truyền hình nhiều khi vô tình kích thích ăn nhiều hơn. Tuy nhiên để sống trăm tuổi chỉ có chế độ dinh dưỡng không là chưa đủ mà quan trọng là các phần còn lại trong “đơn thuốc” trường thọ, đấy là chọn bạn lành mạnh, sống có mục đích, và hoà giải Stress…

   Để sống đến trăm tuổi người ta cần trúng số gene di truyền, tuy nhiên đa số chúng ta đều có thể ăn mừng sinh nhật tuổi 90 của mình hoàn toàn khoẻ mạnh, không bệnh tật. Như thí dụ tín đồ giáo phái Thứ Bảy, tuân thủ các nguyên tắc của cư dân “vùng xanh da trời” có thể giúp kéo dài 10 đến 12 năm tuổi thọ. Tuy nhiên, để cho cuộc sống diễn ra hạnh phúc và khoẻ mạnh, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: nên học ngoại ngữ và chơi nhạc cụ bất kỳ.  Theo Dan Buttner thì ngoại ngữ và âm nhạc là “vaccine” hiệu quả nhất để đề phòng bệnh mất trí nhớ.

   Dan Buttner cũng kết luận: nhân loại ngày nay đang bị tiêu hoá bởi Stress (căng thẳng và mệt mỏi) thường trực và vĩnh cửu. Sau hút thuốc lá, Stress có lẽ là nhân tố huỷ hoại cơ thể mạnh nhất. Chứng bệnh còn bị trầm trọng hơn bởi quá trình cá thể hoá xã hội đang diễn ra chóng mặt. Muộn nhất là 21 giờ, từ các ô cửa sổ gia đình đã loè sáng lên màn hình tivi và máy vi tính.

   Năm năm về trước những người Mỹ bình thường có ba bạn thân nhưng ngày nay chỉ còn hai. Ngược lại, tại các “vùng xanh da trời”, các cộng đồng bạn hữu và cộng đồng tôn giáo can dự vào sinh hoạt tập thể và giúp họ loại bỏ Stress

   Dan Buttner cũng đã nói rằng ông chưa gặp cụ trăm tuổi nào là nhân vật cô đơn và thờ ơ đứng ngoài cuộc, là cá thể thừa của cộng đồng. Các cụ đều tìm được chỗ đứng của mình trong cuộc sống. Với cụ này là quan sát con cháu lớn lên và trưởng thành, còn cụ khác có sở thích chăm sóc cây cảnh, thú đánh cờ vua hoặc câu cá. Cuối cùng qua công trình nghiên cứu đã buộc Dan Buttner phải suy nghĩ (ông tâm sự qua cuộc phỏng vấn sau khi xuất bản quyển sách này) rằng: đó là đức tin, “những người thường xuyên tham gia các hoạt động tôn giáo bị nguy cơ chết yểu trung bình thấp hơn 30% so với đồng lứa, thậm chí trong những người có tín ngưỡng nhưng không thực hành cũng ít bị, thí dụ mắc bệnh tim, những người có đức tin thường cũng nhiều bạn hơn, họ có chỗ dựa lớn hơn và có cảm giác mục đích sống mãnh liệt hơn. Tôi cố gắng nhớ điều này.”

Ngô Quang Trúc

Ts.Bs Cao cấp chuyên ngành Thần Kinh

Doctor SAMAN

[{"src":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2015\/04\/vandong-yhocbandia.jpg","thumb":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2015\/04\/vandong-yhocbandia.jpg","subHtml":""}]